Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh trong một buổi đọc sách cùng các bạn nhỏ.
Cái tên “Sách Ru” ban đầu nghe khá lạ tai. Nhưng gần một tháng nay, chương trình phát trên kênh youtube do câu lạc bộ (CLB) “Đọc sách cùng con” thực hiện đã trở thành “bạn đồng hành” bổ ích với nhiều gia đình. Mỗi chương trình sẽ có một “phù thủy đọc sách” xuất hiện, dẫn dắt các bé vào thế giới của kiến thức. Có khi đó là những câu chuyện, những khám phá về thế giới chung quanh, nhưng cũng có khi cuốn sách giới thiệu về kỹ năng sống, hay những vấn đề mà các bậc phụ huynh và các em đang gặp phải trong cuộc sống như: “Mình gặp một vấn đề”, “Nói sao cho con hiểu?”, “Một cái ôm”… Điều thú vị ở mỗi chương trình không phải ở giọng đọc diễn cảm, mà là ở sự tương tác giữa những “phù thuỷ đọc sách” với phụ huynh và các em. Rất nhiều bài học được rút ra từ “Sách Ru”. Và đó cũng là con đường khiến mọi người hiểu giá trị của sách, gắn bó hơn với sách.
Năm 2020 là thời điểm tròn 10 năm CLB “Đọc sách cùng con” ra đời. TS Nguyễn Thụy Anh vẫn nhớ thời điểm ấy. Đó là khi mà ngành xuất bản, văn hóa đọc chưa phát triển như bây giờ. Phần lớn mọi người đều hiểu rằng, đọc sách đem lại nhiều lợi ích, cần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa đọc từ khi các em còn nhỏ. Song nhiều phụ huynh lo lắng: Chọn sách nào để không có “sạn”? Có sách nào ảnh hưởng tiêu cực đến con không? Làm gì để con bỏ màn hình điện thoại thông minh để đến với sách?... Từng có nhiều năm học tập về phương pháp giáo dục tại Nga, TS Thụy Anh nhận thấy có nhiều điều có thể chia sẻ với các bậc làm cha, làm mẹ, từ việc chọn sách đến việc hướng dẫn các con đọc, tạo động lực và hứng thú với sách. Mười năm là khoảng thời gian khá dài. Không phải ai cũng có niềm tin để duy trì CLB qua chừng ấy tháng năm. Mọi việc không phải suôn sẻ ngay từ khi CLB mới ra đời. Có những lúc, bản thân TS Thụy Anh thấy mình giống như một người “đọc sách dạo”. Các sự kiện liên quan đến đọc sách được tổ chức ở… quán cà-phê, một cơ quan nào đó, cũng có khi là ở một gia đình, nơi có phụ huynh quan tâm đến văn hóa đọc, muốn truyền tải điều ấy cho con. Gặp được những người như thế, chị Thụy Anh mừng lắm. Chỗ nào chị cũng sẵn sàng xuất hiện. Cách nói chuyện dí dỏm, trẻ trung, đề cao tính tương tác khiến câu chuyện của chị luôn có sức hút với các bạn nhỏ.
“Có bạn nhỏ được mẹ mua cho một cuốn sách, nhưng không động đến, mẹ hỏi thì bảo không hay, không thích đọc. Khi sinh hoạt ở CLB, một buổi, các cô giáo mang ra đúng cuốn sách đó thì bạn nhỏ bỗng về lục lại để đọc hết cuốn sách. Mẹ ngạc nhiên hỏi thì bảo, không hiểu sao đọc ở CLB thấy hay hơn. Hoặc một bạn nhỏ khác bé xíu, bốn tuổi rưỡi, cứ đều đặn sáng thứ bảy hằng tuần là đến CLB. Bạn ấy gọi CLB bằng cái tên rất thân thương “Câu lạc bộ của con”. Mỗi gia đình gắn bó lâu năm với CLB, mỗi bạn nhỏ đều để lại kỷ niệm. Chính các bạn nhỏ tạo thêm động lực để mình gắn bó với công việc”, chị Thụy Anh nhớ lại.
Từ việc “đọc sách dạo”, ngày càng nhiều người biết đến “Đọc sách cùng con”. TS Thụy Anh cùng CLB bắt đầu tham gia những sự kiện lớn, có chủ đề chính là đọc sách và mọi trò chơi, hoạt động đều lấy sách làm trung tâm. CLB đã trưởng thành theo năm tháng. Bây giờ, “Đọc sách cùng con” có các nhóm đọc khác nhau: Nhóm đọc cùng mỹ thuật tạo hình, nhóm đọc và viết, nhóm đọc sách tiếng Anh, nhóm đọc sách khoa học, đọc và làm đồ chơi thủ công… Chị cũng tập hợp được nhiều bạn trẻ có chung đam mê để cùng chị lan tỏa văn hóa đọc. Các hoạt động của CLB ngày một phong phú hơn, từ những buổi đọc sách cộng đồng, các buổi đi trải nghiệm thực địa với phương pháp riêng của CLB như tạo cảm xúc, tạo động lực, hướng dẫn kỹ năng, chia sẻ câu chuyện thật, khuyến khích quan sát và tham gia vào cuộc sống.