Công tác chỉ đạo ứng phó bão WIPHA đã được Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai. Bộ Xây dựng đã có Công điện khẩn số 34/CĐ-BXD ngày 18/7/2025 về chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão; Công điện số 35/CĐ-BXD ngày 19/7/2025 về việc tập trung ứng phó bão số 3 (Bão WIPHA). Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực ban 24/24 và theo dõi sát tình hình và hướng di chuyển của bão số 3 để có phương án ứng phó kịp thời.

Đường đi dự kiến của bão Wipha
Tính đến 7h00 ngày 20/7/2025, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Xây dựng lĩnh vực đường bộ, đường sắt hiện chưa bị ảnh hưởng của bão WIPHA, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hoạt động bình thường.
Riêng lĩnh vực hàng hải, theo thống kê, kiểm đến tàu thuyền đang ở trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải: Trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 565 tàu thuyền, trong đó có 287 tàu biển và 278 phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB (PTTNĐ).
Lĩnh vực hàng không hiện Cục Hàng không Việt Nam nhận định sau khi bão di chuyển vào Biển Đông, bão có khả năng diễn biến rất phức tạp về đường đi, cường độ và phạm vi ảnh hưởng. Trong 24 giờ tới, tâm bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 2 FIR Việt Nam; khoảng từ sáng ngày 21/7, hoàn lưu phía Tây của bão có khả năng ảnh hưởng đến phía đông các phân khu 1, 2, 3 và 4 thuộc điều hành bay của ACC Hà Nội, có mây TCU/CB diện rải rác đến nhiều nơi, đỉnh mây CB cao tới FL460/540 gây dông và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác đi kèm; khoảng 22 đến 24 giờ (Hà Nội) ngày 21/7, tâm bão có khả năng chạm FIR Hà Nội ( phân khu 2 FIR Hà Nội).
Cục Hàng không cũng đã đề nghị Các cảng hàng không dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 gồm: Cảng HKQT Nội Bài, Cảng HKQT Vân Đồn, Cảng HKQT Cát Bi và Cảng HK Thọ Xuân. Các cảng hàng không Điện Biên, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku chủ động cập nhật thông tin đề phòng khi bão có diễn biến bất thường.