Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật về cấp điện, cấp nước, thoát nước, làm đường sá, cầu cống, xây mới nhiều công trình công ích, nhà ở, chỉnh trang phố xá, tạo dáng vẻ mới về vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời, với những công trình kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, để hệ thống đô thị nước ta phát triển vững chắc, rất cần sự phối hợp hành động của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Nhìn lại chặng đường mười năm phát triển
Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðịnh hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020, trong đó vai trò của các đô thị được xác định là những động lực phát triển chính trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực vận động của toàn xã hội, chúng ta có thể tự hào với những thành tựu quan trọng đã đạt được của công tác phát triển đô thị toàn quốc. Hệ thống đô thị quốc gia đã có sự chuyển biến tích cực cả về lượng cũng như về chất. Mạng lưới đô thị quốc gia đã và đang được phát triển, mở rộng từ 629 đô thị năm 1999 đến nay đã tăng lên 754 đô thị. Về dân cư đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 20,7% năm 1999 đến nay đạt gần 30% nếu tính dân số nội thị. Trong đó, có hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đô thị loại I tăng thêm năm đô thị, trong khi đó loại V tăng thêm 99 đô thị. Ðiều này đã chứng tỏ mức độ đô thị hóa đã phát triển mạnh ở khu vực các đô thị nhỏ, lan tỏa trên diện rộng và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.
Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Năm 2007-2009 đạt khoảng từ 8 đến 10%(H). Hiện nay nguồn thu đô thị, nhất là của các thành phố lớn chiếm tỷ lệ 70% trong cơ cấu GDP cả nước. Tại một số đô thị lớn, GDP bình quân đầu người đạt hơn 1.500 USD như Hà Nội khoảng 1.500 USD/năm, Nha Trang 1.779 USD/năm... Sự phát triển kinh tế đô thị đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đem lại những nguồn lực quan trọng cho việc xây dựng và cải tạo chỉnh trang diện mạo của các đô thị. Kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được các chính quyền đô thị quan tâm đầu tư phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ thiết kế, xây dựng tiên tiến của thế giới. Tại nhiều đô thị đã và đang xuất hiện các công trình kiến trúc cao tầng là những điểm nhấn kiến trúc đô thị có chất lượng cao. Ði đôi với việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ thì công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị và bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc đô thị đã được coi trọng, góp phần duy trì và tạo dựng bản sắc của từng đô thị.
Chất lượng cuộc sống người dân đô thị đang từng bước được cải thiện thông qua sự đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các đô thị. Năm 1999, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 6 m2 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt 12 m2. Mô hình đầu tư phát triển các khu đô thị mới đồng bộ đã được nghiên cứu nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, sử dụng có hiệu quả quỹ đất dành cho phát triển đô thị, đồng thời từng bước giải quyết nhu cầu rất lớn của xã hội về nhà ở. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn và công trình phúc lợi công cộng của các đô thị được đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển khá nhanh, tạo nên bộ khung cơ bản để các đô thị phát triển. Về cấp nước sạch, thời điểm năm 1999 Việt Nam vẫn còn hơn 70% số dân đô thị sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh, đến nay bình quân trên cả nước 73% số dân đô thị đã được cấp nước sạch. Chất lượng phục vụ của giao thông công cộng tại các đô thị, các vùng và trên cả nước ngày càng tốt hơn. Hiện nay, nhiều địa phương đang tập trung nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng và phát triển giao thông công cộng đô thị như dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, dự án tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến giao thông huyết mạch, tuyến vành đai các đô thị lớn, cầu qua sông, v.v. Vấn đề cải thiện điều kiện môi trường đô thị cũng đã được chính quyền đô thị quan tâm. Một số đô thị đã có nhà máy hoặc trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước đạt khoảng 80%. Chúng ta đã có ba công nghệ trong nước xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận: SERAPHINE, ANSINH-ASC, MBT-CD. Cấp điện và chiếu sáng đô thị được cải thiện rõ rệt. 90% số các tuyến đường trục chính cấp đô thị từ các đô thị loại 3 trở lên được chiếu sáng. Dịch vụ cung cấp thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng phục vụ tích cực cho các yêu cầu đặt ra của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong mười năm qua, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển xã hội, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, trong đó nhiều văn bản luật lần đầu tiên đã được nghiên cứu, xây dựng và ban hành như Luật Xây dựng năm 2003, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 và đặc biệt là Luật Quy hoạch đô thị vừa được Quốc hội thông qua tháng 6-2009. Các văn bản luật và hệ thống văn bản dưới luật đã thường xuyên được rà soát, điều chỉnh để từng bước đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng, hướng tới sự phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam.
Những vấn đề hạn chế
Bên cạnh những thành tựu rất đáng khích lệ của công tác phát triển đô thị trong những năm vừa qua, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều việc cần phải làm. Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị nhìn chung đã được quan tâm triển khai. Trong cả nước đã có chín đồ án quy hoạch vùng được Chính phủ phê duyệt, 59/63 tỉnh, thành phố có quy hoạch vùng tỉnh, phục vụ việc quản lý sự phát triển mạng lưới đô thị của các địa phương. Tất cả các đô thị từ loại IV trở lên đều đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Tuy nhiên, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại các đô thị của cả nước còn thấp. Tỷ lệ trung bình trong cả nước hiện nay là khoảng 45%, không đồng đều giữa các đô thị và vùng, miền. Ðiều đó có ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực phát triển cũng như công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa cao tại phần lớn các đô thị đã dẫn đến sự mất cân đối trong khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Mặc dù việc cấp nước sạch đã được cải thiện đáng kể nhưng tỷ lệ thất thoát, thất thu nước bình quân vẫn cao từ 20 đến 30%, vừa gây thất thoát nguồn tài nguyên quan trọng, vừa giảm nguồn thu cho ngân sách. Tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông tại đô thị còn diễn ra phổ biến. Các hồ, kênh, mương, sông ngòi trong đô thị với vai trò điều hòa và thoát nước mưa đô thị vào mùa mưa lũ ít được quan tâm bảo vệ. Hiện tượng ô nhiễm môi trường vẫn chưa có lời giải hữu hiệu. Nhiều đô thị vẫn còn lúng túng trong việc tìm ra nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý chất thải rắn, giao thông đô thị...
Trong những năm qua, các chính quyền đô thị đã rất quan tâm đầu tư để xây dựng đội ngũ, liên tục đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ làm công tác quản lý đô thị bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cũng như sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức quốc tế. Mô hình hợp tác với các thành phố trên thế giới đã đem lại nhiều kinh nghiệm bổ ích trong thực tiễn quản lý. Mặc dù vậy, những cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị mới chỉ chiếm từ 9 đến 11% ở cấp xã, phường, chưa đáp ứng được mức độ đòi hỏi của khối lượng công việc. Mặt khác, do lĩnh vực quản lý đô thị và kinh tế đô thị còn là vấn đề khá mới mẻ, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để phù hợp đặc thù của nước ta, do đó ở nhiều nơi, vai trò của chính quyền đô thị trong việc điều phối các đối tượng và điều tiết nguồn lực tham gia trong quá trình phát triển đô thị còn có nhiều hạn chế, dẫn đến thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thông tin, chồng chéo giữa các lĩnh vực.
Có thể thấy rằng, có nhiều bất cập hạn chế trong nhiều cấp độ, thuộc nhiều lĩnh vực từ việc xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch cho đến việc quản lý các quá trình phát triển trong đời sống hằng ngày của đô thị. Thực tế này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, liên quan đến mọi đối tượng tham gia trong đô thị từ cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền đô thị cho đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như chính bản thân người dân đô thị.
Phát triển đô thị bền vững
Phát huy giá trị các bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn xây dựng phát triển đô thị ở nước ta cũng như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QÐ-TTg ngày 7-4-2009 và Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 (Quyết định số 758/QÐ-TTg ngày 8-6-2009) đã đề ra các định hướng, giải pháp tổng thể, toàn diện phát triển hệ thống đô thị quốc gia, xác định các giai đoạn phát triển, mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn.
Theo đó, để quá trình phát triển của các đô thị trong cả nước đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, chính quyền đô thị các cấp cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, không ngừng đẩy mạnh vai trò công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch. Công tác quy hoạch phải được ưu tiên đầu tư đi trước để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như cải tạo chỉnh trang đô thị. Ðồng thời với việc áp dụng các tiến bộ trong phát triển đô thị, quy hoạch không những phải đáp ứng yêu cầu cao về tạo dựng chất lượng không gian đô thị, mà còn phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, thật sự trở thành nền tảng cho việc tạo dựng nguồn lực phát triển cho đô thị.
Thứ hai, tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực của đô thị. Cùng với các nguồn hỗ trợ phát triển mà đô thị có được, cần đặc biệt chú trọng việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị. Thông qua các giải pháp về quy hoạch đô thị kết hợp với các chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho phát triển đô thị, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến trình nâng cấp chất lượng đô thị hóa.
Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp, tổ chức bộ máy tinh giản, gọn nhẹ nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực quản lý, đồng thời chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế trình độ, kinh nghiệm và kiến thức.
Thứ tư, cần chú trọng phát huy vai trò và trách nhiệm làm chủ của cộng đồng, của người dân đô thị. Việc xây dựng và duy trì chất lượng đô thị phụ thuộc một phần quan trọng trong ý thức của người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Do đó, cần có giải pháp tích cực để cộng đồng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm tham gia xây dựng và quản lý đô thị được cụ thể hóa ngay từ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng của đô thị.
Nguyễn Hồng Quân
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng