Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính đến hết năm 2023, tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt khoảng 90%.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo xã hội hoá cấp nước sạch để phục vụ nhu cầu của người dân các địa phương. Ảnh minh họa
Tổng số xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung trong năm 2023 đã tăng 15 xã so với năm 2022. Cụ thể tại các huyện: Sóc Sơn: 6 xã, Ứng Hòa: 5 xã, Mỹ Đức: 4 xã.
Hiện các dự án phát triển mạng cấp nước cho khu vực nông thôn đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Đến nay, 100% số xã thuộc các huyện: Gia Lâm, Phú Xuyên, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây đã được cấp nước sạch.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho người dân nông thôn, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 311/KH-UBND; trong đó giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các huyện có xã chưa được cấp nước sạch và các nhà đầu tư.
Các sở ngành, doanh nghiệp đã thảo luận, lên phương án xây dựng mạng lưới phân vùng cấp nước, đề xuất giải pháp đẩy nhanh đầu tư phát triển hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn.
Theo đó, Sở Xây dựng đã tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND TP. Hà Nội giao 10 đơn vị triển khai cấp nước cho các xã còn lại chưa có nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa. Thời gian thực hiện hoàn thành năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 100% người dân nông thôn.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo xã hội hoá cấp nước sạch để phục vụ nhu cầu của người dân các địa phương.
Hà Nội đang tiến hành lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 với những định hướng mới về phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, để giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng cấp nước sạch sinh hoạt, quy hoạch điều chỉnh lần này sẽ định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số giữa các khu vực.
Đồng thời, sẽ mở rộng diện bao phủ cấp nước, gia tăng tổng công suất nguồn phù hợp với định hướng phát triển không gian, dự báo dân số. Xây dựng bổ sung nhà máy nước quy mô lớn tại phía Nam Hà Nội. Điều chỉnh, bổ sung các tuyến ống truyền dẫn phù hợp với kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước truyền dẫn theo giai đoạn phát triển.
Đặc biệt trong định hướng lần này sẽ phân 5 vùng tính toán cấp nước nhằm cân bằng nguồn nước trong từng vùng bảo đảm an toàn cấp nước cho toàn thành phố.
Để tạo nên đô thị bền vững, có chất lượng tiện nghi sống cao, việc thiếu nước sạch cục bộ sẽ không còn tái diễn, bên cạnh việc đưa ra những định hướng quy hoạch khả thi, sát thực tiễn thì việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch cũng sẽ được chú trọng.