Xây dựng khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu

Thứ sáu, 28/06/2024 16:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái vừa phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, vừa thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu (Ảnh minh hoạ: ST)

Yêu cầu về mô hình mới

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” do Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Nam Định phối hợp tổ chức ngày 26/6, TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam cho biết: Các khu công nghiệp sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi khu công nghiệp của cả nước theo tiêu chuẩn mới.

“Chi phí đầu tư hiện tại có thể cao song nếu chuyển đổi chậm thì chi phí chuyển đổi chắc sẽ còn cao hơn, như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá. Tiêu chuẩn xanh và sinh thái khu công nghiệp còn thể hiện uy tín cao của Việt Nam trước thế giới bởi tính tích cực, chủ động hình thành khu công nghiệp sinh thái. Động thái này còn góp phần thu hút hiệu quả FDI đạt tiêu chuẩn xanh, sinh thái và truyền tải thông điệp quan trọng đến các nhà đầu tư quốc tế, nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường thu hút đầu tư xanh, sạch, sinh thái và bền vững” - TS Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 35 năm hình thành và phát triển, hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam đã bao phủ 61/63 tỉnh thành (trừ 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa có khu công nghiệp). Đến nay, Việt Nam đã có 418 khu công nghiệp, bao gồm 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Các kết quả đóng góp to lớn đó từ các khu công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho thấy các khu công nghiệp Việt Nam hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

“Vấn đề đặt ra là, tuy các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế như vậy, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững, đồng thời cũng đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục. Chất lượng hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; loại hình phát triển chậm được đổi mới, phát triển chưa bền vững và chưa cân bằng về kinh tế với xã hội, môi trường… Việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động và hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội” - TS Phan Hữu Thắng phân tích.

 

TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam

Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai mô hình khu công nghiệp bền vững dưới dạng các khu công nghiệp sinh thái. Tại Việt Nam, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng các khu công nghiệp xanh cũng đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó là chuyển đổi việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Phát triển công nghiệp phát thải các-bon thấp

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Doãn Công Khánh khẳng định: Tại Việt Nam, vấn đề phát triển công nghiệp phát thải các-bon thấp, hay còn gọi là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh các định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước.

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sáng các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao có phần bị chững lại khi tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 86% năm 2022 xuống còn 85% năm 2023.

Công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, mà chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu. Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra còn chậm, không đồng đều. Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt, dẫn đến việc tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự cạnh tranh về ưu đãi thuế, đất đai và cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp tại địa phương diễn ra phổ biến, dẫn đến đến tình trạng phân mảnh công nghiệp.

Trước thực trạng trên, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là đòi hỏi cấp thiết trong sự phát triển chung của toàn thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam, một trong 5 nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Khu công nghiệp sinh thái - cần có lộ trình chuyển đổi

Từ phân tích trên, theo chuyên gia kinh tế Doãn Công Khánh, hình thành hệ thống khu công nghiệp sinh thái là con đường tất yếu, hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và đạt được mục tiêu thu hút được dòng đầu tư chất lượng cao, để khát vọng trở thành quốc gia phát triển bền vững thành hiện thực, việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái, các khu công nghiệp mới được xây dựng theo mô hình sinh thái thì cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách, cơ chế và phù hợp.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” 

Để làm được điều đó, trước hết, cần đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh nhằm đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững đang là xu thế khách quan, là yêu cầu cấp thiết nên cần trở thành lựa chọn định hướng phát triển của các địa phương, của các khu công nghiệp. Cùng với đó, để mô hình khu công nghiệp sinh thái nhân rộng trên cả nước và phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia, cần sớm xác định ngay lộ trình chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp truyền thống sang các khu công nghiệp sinh thái. Và, xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện thật cụ thể, sát thực tế đối với việc chuyển đổi và xây dựng mới mô hình khu công nghiệp của với từng địa phương và với định hướng phát triển từng ngành, từng lĩnh vực với việc nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng; rà soát các qui định hiện hành về việc chuyển đổi các khu công nghiệp với mô hình truyền thống hiện có sang mô hình phát triển các khu công nghiệp sinh thái bền vững theo tăng trưởng xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cần chuyển nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi.

Theo đó, cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các khu công nghiệp theo mô hình các khu công nghiệp sinh thái. Nhà nước cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, về tài chính, về đất đai… cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình khu công nghiệp từ truyền thống sang sinh thái.

Đồng quan điểm đó, TS Phan Hữu Thắng cũng cho rằng, cần kết hợp hài hòa giữa phát huy nội lực của đất nước với huy động nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển. Quan điểm này là cơ sở xác định chính sách huy động nguồn lực trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa bảo đảm tự chủ về kinh tế, vừa phù hợp với yêu cầu tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để bù đắp những yếu tố trong nước còn thiếu hụt, tạo điều kiện tiếp thu nhanh thành tựu của khoa học và công nghệ để thực hiện yêu cầu hiện đại hóa đất nước. Có chính sách tạo môi trường bình đẳng, thông thoáng và ổn định để phát huy vai trò của mỗi thành phần kinh tế, góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, phát triển có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, ngành/lĩnh vực, tạo sự “bứt phá” tiến kịp trình độ hiện đại và mở rộng liên kết vùng. Theo đó, việc xác định các ngành, sản phẩm trọng điểm - mũi nhọn phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện cơ bản như: có lợi thế so sánh nổi trội làm cơ sở để tạo lập lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; có khả năng tác động thúc đẩy các ngành khác phát triển; có dung lượng thị trường trong nước và quốc tế đủ lớn và ổn định để đầu tư phát triển sản xuất; có khả năng tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cuối cùng, việc hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cần tập trung vào việc hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng; khuyến khích theo hướng ưu đãi về thuế khi áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý khu công nghiệp nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng khu công nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các hình thức hỗ trợ khác...

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)