Rộng mở không gian đô thị, dư địa phát triển của Thành phố Hải Phòng

Thứ tư, 14/05/2025 09:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Từ khu đô thị lõi trung tâm hình thành thời Pháp thuộc, sau 70 năm giải phóng, không gian đô thị Hải Phòng không ngừng mở rộng. Nhất là với tư duy và tầm nhìn mới, các quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển đô thị hướng sông, bám biển, đa cực đang được cụ thể hóa, giúp Hải Phòng có thêm dư địa hiện thực hóa khát vọng vươn mình phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Việc mở rộng không gian đô thị khu vực xã Xuân Đám - Cát Bà góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đô thị và dịch vụ thương mại.

Mở rộng không gian đô thị nhiều hướng

Dưới thời Pháp thuộc, đô thị Hải Phòng được hình thành với đặc trưng của thành phố cảng biển, bao bọc bởi các dòng sông. Hải Phòng là một trong ba đô thị đầu tiên của Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Sau 70 năm giải phóng, đến nay, dấu ấn đô thị cũ hơn 100 năm tuổi còn hiện hữu với hàng trăm công trình được thiết kế mang đậm kiến trúc Pháp. Song hành với bảo tồn, phát huy giá trị đô thị lịch sử hiện hữu, với tư duy, tầm nhìn mới về đô thị hướng biển, đô thị công nghiệp, thương mại, vươn tầm khu vực và quốc tế, không gian đô thị Hải Phòng ngày càng mở rộng theo nhiều hướng; chuyển từ mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sang đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh, hình thành nhiều đô thị mới.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” xác định mở rộng không gian đô thị của thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hải Phòng lựa chọn ba hướng đột phá để phát triển đô thị là hướng Bắc, hướng Đông và hướng Đông Nam. Từ định hướng đó, hiện tại và tương lai, thành phố đang tập trung nhiều giải pháp đột phá nhằm mở rộng không gian, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố cảng biển, tạo thêm dư địa, thế và lực để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Theo đó, từ đô thị trung tâm hiện hữu gồm các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, đô thị Hải Phòng được mở rộng về nhiều hướng. Phía Bắc, Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố; được xác định xây dựng trở thành trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố kết nối với đô thị lõi, đô thị cũ ở bờ Nam, tạo thành chỉnh thể đô thị Hải Phòng gắn kết lịch sử và hiện đại. Với vị trí địa lý thuận lợi, Thủy Nguyên hội tụ đầy đủ các điều kiện, yếu tố để phát triển trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thu hút các dự án đầu tư phát triển thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch giải trí, công nghiệp của Hải Phòng. Phía Đông phát triển đô thị dịch vụ Cát Hải, công nghiệp, cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế. Mở rộng đô thị về phía Nam và Đông Nam thành phố, các quận Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn là những cửa ngõ hướng ra biển, được xây dựng trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải, du lịch quốc tế…

Tạo không gian phát triển mới

Theo đánh giá của kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mở rộng không gian đô thị không chỉ là về mặt địa giới hành chính mà còn mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại; và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Không gian đô thị rộng mở, đa chiều, đa trung tâm sẽ là tiền đề để Hải Phòng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai, hình thành các trọng điểm phát triển kinh tế dựa trên lợi thế đô thị của từng khu vực.

Thực tế cho thấy, từ định hướng mở rộng không gian đô thị ra nhiều hướng, trong đó chọn ba hướng đột phá cũng là hướng biển, Hải Phòng khai thác tối đa lợi thế vị trí cửa biển. Hiện tại và trong tương lai, thành phố phát triển và khai thác hệ thống cảng biển tại Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn, Khu kinh tế ven biển phía Nam (Tiên Lãng)… Phía Đông Nam hình thành khu trung tâm thương mại - dịch vụ, Khu kinh tế phía Nam với khu cảng - công nghiệp Đồ Sơn, phát triển các khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với trung tâm dịch vụ hàng hải quốc tế… Từ đây góp phần chuyển dịch mạnh mẽ nền kinh tế thành phố từ công nghiệp - dịch vụ truyền thống sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Hay với việc mở rộng không gian đô thị phía huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn, tại khu vực Đồ Sơn lấn biển tạo thêm không gian, quỹ đất khoảng 290 ha; tại khu vực Xuân Đám - Cát Bà là 25 ha để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đô thị và dịch vụ thương mại. Trên cơ sở quỹ đất lấn biển, thành phố sẽ thu hút đầu tư các dự án tại các khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà có giá trị gia tăng cao, xây dựng các công trình hiện đại, tầm cỡ quốc tế, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thu hút du khách, giải quyết vấn đề việc làm…

Phát triển đồng bộ không gian đô thị với không gian kinh tế để có thêm dư địa phát triển là hướng đi thể hiện tầm nhìn chiến lược mà Hải Phòng đã, đang và tiếp tục thực hiện. Đặc biệt, sắp tới đây, khi Hải Phòng và Hải Dương hợp nhất, không gian đô thị càng thêm rộng mở, dư địa phát triển càng lớn. Các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương được cộng hưởng, khai thác, tạo thêm động lực phát triển thành phố Hải Phòng, đặc biệt là phát triển không gian hướng biển. Và tin tưởng rằng, với không gian phát triển mới, kỳ vọng về một đô thị Hải Phòng hiện đại, thông minh, thành phố cảng biển lớn, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới sẽ sớm trở thành hiện thực trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)