Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu TP Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình phòng chống thiên tai, đảm bảo chất lượng, an toàn...
Sáng 16/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 tại TP Hà Tĩnh. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh.
.jpg)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng kiểm tra tiến độ dự án cầu vượt trên đường Ngô Quyền, nút giao ĐT.550 thuộc dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cùng các thành viên trong đoàn đã đi kiểm tra tiến độ tuyến đường kết nối đường Ngô Quyền kéo dài, nút giao ĐT.550 thuộc dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; dự án xây dựng cống Cầu Sú, phường Trần Phú; dự án tuyến đê bao cầu Đông thuộc Dự án tiêu thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ; tuyến đê Đồng Môn.
Thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, TP Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch cụ thể; rà soát, xây dựng, phê duyệt các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn gồm: bão mạnh, siêu bão; ngập lụt, sơ tán người dân; đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông; cứu hộ, cứu nạn.
Địa phương cũng đã thực hiện các giải pháp để khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai xuống cấp có nguy cơ mất an toàn. Đến thời điểm hiện nay, đã thực hiện cơ giới hóa cống dưới đê cho 4 xã: Đỉnh Bàn, Thạch Khê, Tượng Sơn và Hộ Độ. Một số công trình phòng chống thiên tai đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Hiện nay, UBND thành phố tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, đơn vị; đặc biệt tập trung rà soát các công trình phòng chống thiên tai xuống cấp, các công trình hồ chứa, hệ thống đê phòng lũ, công tác chuẩn bị các điều kiện về vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ phòng ngừa, ứng phó thiên tai.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai cho cán bộ cấp xã, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng quản lý đê nhân dân và người dân nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời khi gặp các tình huống thiên tai. Rà soát, xây dựng, phê duyệt các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn….
Sau khi đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Tĩnh.
.jpg)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng làm việc với UBND TP Hà Tĩnh
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến an toàn đê điều trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, nâng cấp hệ thống đê một cách đồng bộ và có hiệu quả, đồng thời cấp kinh phí để triển khai cắm mốc hành lang đê, cắm mốc km các tuyến đê trên địa bàn. Hỗ trợ trồng rừng ngập mặn phía ngoài đê trên toàn địa bàn thành phố; đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng ghi nhận sự chủ động của TP Hà Tĩnh trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình phòng chống thiên tai, đảm bảo chất lượng, an toàn, không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão; tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, kịp thời nắm bắt các vướng mắc để tham mưu điều chỉnh phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị UBND TP Hà Tĩnh rà soát hệ thống cống, đê điều trên địa bàn để có phương án đảm bảo an toàn; tham mưu xây dựng quy trình vận hành hệ thống cống dưới đê theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa; tập trung cải tạo, phát quang hành lang bờ đê, khơi thông dòng chảy. Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến tận từng người dân. Rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ".