Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh
Hiện nay, toàn quốc đang triển khai các công trình trọng điểm, dự án quan trọng Quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Móng Cái; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, trong 48 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, đến nay các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 23 nhiệm vụ. Trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng như: Quốc hội thông qua Luật Đường sắt, trong đó có cơ chế về đầu tư đường sắt; Chính phủ ban hành Nghị quyết 127 triển khai Nghị quyết 187 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công nghệ đường sắt, đang soát xét thủ tục trình Chính phủ; hoàn chỉnh Đề án phát triển công nghiệp, đang soát xét thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ; thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các địa phương tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua… Ngoài ra, các cơ quan đang tích cực, tập trung triển khai 17 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên; 7 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ; 1 nhiệm vụ chưa đến hạn.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua, cùng với 5 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) gồm Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng. Tổng diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án là hơn 2,7 nghìn ha, ảnh hưởng gần 8,1 nghìn hộ dân. Các địa phương đã xác định vị trí 117 khu tái định cư với diện tích hơn 169 ha. Dự kiến, các khu tái định cư sẽ đồng loạt khởi công trong tháng 12/2025.
Báo cáo về tình hình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cho biết, đoạn dự án đi qua tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài gần 3,8 km, đi qua 3 phường Phù Khê, Từ Sơn và Song Liễu. Diện tích đất chiếm dụng khoảng 40,54 ha, trong đó có gần 1 ha đất thổ cư.
Đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 374/KH-UBND ngày 13/6/2025 về việc triển khai thực hiện Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh) với tổng kinh phí dự kiến gần 1,1 nghìn tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Giao thông và Nông nghiệp số 2 đã phê duyệt dự toán chi phí cho gói thầu lập nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đồng thời lựa chọn xong các nhà thầu tư vấn lập nhiệm vụ và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã giới thiệu 2 khu tái định cư với tổng diện tích 4,07 ha trên địa bàn phường Từ Sơn.
.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát tiến độ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của các dự án đối với logistics và phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa đất nước.
Căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương chủ động ban hành các Quyết định theo quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện; tích cực triển khai đúng tiến độ, hiệu quả các dự án. Các tỉnh, thành phố cần chủ động trong công tác GPMB, tái định cư, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thủ tướng giao Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh, hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, tái định cư trong năm 2026. Khởi động đồng loạt các dự án GPMB tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào ngày 19/8/2025.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng thông báo, bàn giao hướng tuyến, sơ bộ cắm cột mốc GPMB; chủ trì, phối hợp với các công ty tư vấn chủ động khảo sát địa chất. Bộ Tài chính thẩm định, đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư; chủ động nguồn vốn để ưu tiên bố trí thực hiện các dự án. Bộ Ngoại giao chủ động thúc đẩy họp Ủy ban liên Chính phủ trong tháng 7/2025.
Sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng và các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh đã họp triển khai công việc.
Tại đây, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan đã báo cáo, làm rõ các vấn đề vướng mắc về đơn giá bồi thường, công tác GPMB, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư....

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng nhấn mạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh thuộc dự án trọng điểm Quốc gia. Do vậy, các địa phương cần tập trung cao nhất nguồn lực vừa thực hiện sắp xếp chính quyền 2 cấp, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp đồng thời phát huy tinh thần tích cực phối hợp, chủ động tháo gỡ vướng mắc để dự án thi công đường sắt sớm khởi công, thi công bảo đảm thời gian, tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo. Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án. Sở Xây dựng nghiên cứu, rà soát, tìm khu vực làm bãi chứa chất đổ thải phục vụ việc thi công các dự án bảo đảm quy định.
Ban Quản lý dự án Giao thông và Nông nghiệp số 2 phối hợp với các đơn vị tư vấn làm việc với Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản (phường Từ Sơn) để xác định cụ thể diện tích đất và các công trình phụ trợ bị ảnh hưởng do thực hiện dự án đường sắt để bổ sung vào hồ sơ dự án bồi thường, hỗ trợ.
Phấn đấu cuối tháng 7/2025 phê duyệt Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các phường: Từ Sơn, Phù Khê, Song Liễu, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tập trung cao nhất cho công tác chuẩn bị phê duyệt, nhanh chóng triển khai các bước tiếp theo như: Bàn giao hồ sơ cho nhà thầu, tổ chức bồi thường, hỗ trợ GPMB, thẩm định và triển khai thi công.