Sau 50 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025), hệ thống hạ tầng giao thông thành phố ngày càng được hoàn thiện, hiện đại, thông suốt, khẳng định vai trò đầu mối, tạo động lực phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Bắc bộ và cả miền Bắc.

Cảng biển Hải Phòng hôm nay vươn mình ra biển lớn.
Những công trình đột phá
Những ngày tháng 4, các bến tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện tấp nập tàu container cập bến, hệ thống cẩu giàn hiện đại hoạt động hết công suất xếp dỡ hàng hóa, các xe đầu kéo di chuyển liên tục đưa hàng về bãi. Với việc các bến từ số 3 đến số 6 Khu bến Lạch Huyện được đưa vào khai thác, cảng biển Hải Phòng có tiến bước dài trong hành trình vươn ra biển lớn. Nếu như trước năm 2000, hệ thống bến cảng Hải Phòng được mở rộng tới khu vực Chùa Vẽ thì đến nay, sau 25 năm, với chủ trương vươn mình ra biển, cảng được mở rộng tới khu vực Tân Vũ, Đình Vũ và Lạch Huyện như hôm nay. Các bến cảng khu bến Lạch Huyện được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Riêng bến số 5, 6 Cảng HHIT có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới, công suất khai thác đạt 2,2 triệu Teu/năm, khẳng định vị thế là cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất miền Bắc. Từ bến Sáu Kho, cảng sông Cấm, rồi Đình Vũ, đến nay cảng biển Hải Phòng trên lộ trình trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Khẳng định vai trò đầu mối, dẫn dắt phát triển liên kết vùng nên các dự án giao thông đối ngoại luôn được thành phố ưu tiên đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, nhiều công trình hoàn thành như: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Nghìn đến Quán Toan và đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng; xây dựng cầu sông Hoá và đoạn tuyến qua Hải Phòng của tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn.
Trước đó, thực hiện biên bản hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy 3 địa phương: Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh, các công trình kết nối địa phương lân cận như: cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối các địa phương của tỉnh Hải Dương; cầu sông Hoá, cầu vượt sông Hóa, cầu Lô Đông nối các địa phương của tỉnh Thái Bình; cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân nối các địa phương của tỉnh Quảng Ninh… đã và đang được khẩn trương hoàn thành, đưa vào khai thác… tạo ra hệ thống giao thông tổng thể, đồng bộ, thông suốt, giữ vai trò đầu mối, gắn kết phát triển vùng và liên vùng.
Phát triển vươn mình
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 1516/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định: Xây dựng và phát triển Hải Phòng là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước, với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa. Khi hệ thống giao thông hoàn thiện, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm kết nối chiến lược giữa các khu công nghiệp và cảng biển quốc tế, thu hút mạnh mẽ đầu tư vào công nghiệp, chế biến, chế tạo và logistics.
Không chỉ tập trung vào các dự án đang triển khai, thành phố tích cực phối hợp và xây dựng kế hoạch triển khai các dự án giao thông quan trọng giai đoạn 2025-2030. Trong đó, có một số dự án quan trọng như: tiếp tục đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện; các dự án tại Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi. Phối hợp Bộ Xây dựng khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khởi động bến cảng Nam Đồ Sơn; cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình; dự án phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu (sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới)… Đây là dự án được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy giao thông mà còn tác động tích cực đến phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, logistics.
Từ những năm 2010 đến nay, Hải Phòng thực sự “thay da đổi thịt” bởi dự án giao thông lớn, hiện đại, xứng đáng với đô thị phát triển năng động lớn thứ 3 cả nước và cửa chính ra biển của cả miền Bắc. Giao thông là trụ cột nền kinh tế, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn lực đầu tư ngược lại để hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối mạnh mẽ với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, miền Bắc và các quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.