Thi công thần tốc, chia ca làm ngày đêm
Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao); có tổng chiều dài gần 60km.

Thi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn).
Dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Đây cũng là mắt xích chiến lược hoàn thành kết nối 2 tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Với mục tiêu thông tuyến trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công trường thi công đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hơn 2.000 công nhân, kỹ sư đang ngày đêm bám sát các điểm nóng trên toàn tuyến.
Có mặt tại công trường dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào giữa tháng 4, trên công trường nắng như đổ lửa, chứng kiến sự hối hả và nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều cán bộ, công nhân đang thi công.

Ông Vũ Xuân Huy, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu EC03 (Công ty 559) chỉ trên bản đồ những vị trí mặt bằng còn đang bị vướng.
Theo Ban Quản lý dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, hiện toàn dự án đang triển khai 78 mũi thi công bao gồm các hạng mục nền đường, cầu, cống thoát nước. Tổng cộng có 1.955 kỹ sư, nhân công và 727 thiết bị thi công đang hoạt động. Sản lượng đến nay đã đạt khoảng 806,8 tỷ đồng trên tổng giá trị 6.580,82 tỷ đồng (tương đương 12,3%).
Ông Trần Văn Chuân – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: “Hầu hết các gói thầu đều tổ chức 3 ca liên tục, làm kíp đêm tại những khu vực có mặt bằng sạch. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với tinh thần quyết liệt, chúng tôi tin tưởng mục tiêu thông tuyến trong năm 2025 sẽ khả thi”.
"Hiện nay, hầu hết các gói thầu đều chia tổ, làm 3 ca liên tục, tổ chức kíp đêm trên tất cả các đoạn có mặt bằng sạch. Thách thức là lớn nhưng nếu không quyết liệt, khó đảm bảo mục tiêu thông tuyến trong năm nay nên nhà đầu tư luôn động viên, khích lệ các múi thi công cùng phấn đấu", ông Chuân nói.

Mặt bằng đang cản tiến độ cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng.
Vướng mắc mặt bằng và vật liệu thi công
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao 485,14 ha trong tổng số 557,82 ha mặt bằng, đạt khoảng 86,98%. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp khó khăn do tình trạng “xôi đỗ”, nhiều đoạn đã bàn giao công địa nhưng không liền mạch, khiến nhà thầu khó tiếp cận thi công.
Một vấn đề khác là tình trạng khan hiếm và biến động giá vật liệu xây dựng. Các nhà thầu phản ánh tình trạng thao túng, đẩy giá vật liệu tại địa phương khiến giá niêm yết thấp hơn đáng kể so với thực tế. Hệ quả là chi phí bị đội lên thông qua phần cước vận chuyển.
Dẫn phóng viên đi khảo sát thực tế công trường thi công tại lý trình Km39+500, dự án Hữu Nghị-Chi Lăng thuộc thôn Háng Cút, xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), ông Vũ Xuân Huy, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu EC03 (Công ty 559) cho biết, tại vị trí này, đơn vị phải tiến hành xẻ núi ở độ cao khoảng 70m so với mặt đường, giật cấp “8 mái, 9 cơ” từ trên đỉnh núi xuống để chống sạt trượt, đồng thời đào đắp khối lượng đất rất lớn.

Các nhà thầu tổ chức 78 mũi thi công tại dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng; huy động 1.955 kỹ sư, nhân công, 727 thiết bị trên toàn công trường, hiện sản lượng dự án đạt hơn 800 tỷ đồng (hơn 12,3%)
Tại công địa gói thầu, hiện vẫn còn vướng vài vị trí hạ tầng kỹ thuật đường điện 35kV và một số hộ dân chưa đồng thuận di dời.

Công trường thi công gói thầu EC03 tại lý trình Km 39+500, dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, nhà thầu phải xẻ núi từ độ cao 70 m so với mặt đường, tiến hành giật cấp "8 mái, 9 cơ" chống sạt trượt.
Thiếu bãi thải, cần địa phương hỗ trợ khẩn cấp
Về nhu cầu đổ thải, dự án cần xử lý khoảng 8,4 triệu m³ đất đá. Tuy nhiên, hiện tỉnh mới phê duyệt 43 bãi thải với tổng dung tích khoảng 4,4 triệu m³, vẫn thiếu khoảng 4 triệu m³ so với nhu cầu.
Doanh nghiệp dự án cùng các nhà thầu và tư vấn đang tiến hành khảo sát, đề xuất bổ sung các vị trí bãi thải mới. Đồng thời, kiến nghị địa phương sớm giải phóng mặt bằng các bãi thải cấp bách, hoàn thành trong quý I/2025.

Nhân lực, máy móc thiết bị được huy động để bảo đảm tiến độ dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng.
Chủ đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh, công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo chặt chẽ các sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật trước ngày 15/4/2025.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, cập nhật và công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng kịp thời, phản ánh đúng diễn biến thị trường, góp phần ổn định chi phí đầu vào cho dự án; điều chỉnh giá niêm yết sát với thị trường, giúp việc thanh quyết toán được thực hiện minh bạch, chính xác.
Vượt qua nhiều khó khăn, dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng đang bám sát tiến độ và quyết tâm thông tuyến vào năm 2025. Trong thời gian tới, các nhà thầu sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng thi công, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại, sẵn sàng “chạy nước rút” hoàn thành công trình trọng điểm này.