Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Trọng Hùng, trải qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ- CP về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nhiều địa phương đã cố gắng thực hiện việc lập, duyệt, quản lý QH NTM. Tính đến nay, 60% xã trong cả nước đã hoàn thành QH chung, trong đó có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao như Thái Bình, Hải Dương,Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế ,Quảng Nam, Quảng Nghãi, Đà Nẵng, An Giang, TP.HCM. Điển hình, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt xong QH chung, QH chi tiết 112/112 xã, tỉnh Thái Bình đã phê duyệt QH chung 267/267 và QH chi tiết 80/267.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều địa phương (đặc biệt là cấp xã) còn lúng túng trong quá trình triển khai từ nội dung đến quá trình triển khai thực hiện. Một số địa phương triển khai QH mạnh nhưng chất lượng còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là địa phương chưa đồng bộ QH vùng, QH phát triển kinh tế - xã hội, QH sử dụng đất. Nhiều nội dung QH đòi hỏi yêu cầu cao trong khi kinh phí lập quy hoạch còn hạn hẹp. Các tổ chức tư vấn lập QH còn nhiều hạn chế… Việc bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích còn lúng túng, bị động. Khu cận các đô thị bị đô thị hóa một cách tự phát. Bên cạnh đó, trình độ thẩm định, phê duyệt của địa phương còn hạn chế. Công tác quản lý QH còn yếu cả về năng lực, tổ chức thực hiện. Các văn bản pháp luật nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến điều kiện nhân lực và kinh phí thực hiện.
Ông Nguyễn Dương Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “QH đang trở thành tiêu chí được quan tâm đầu tiên tại Hải Dương và tỉnh đang phấn đấu hết năm nay sẽ phủ kín QH xây dựng NTM”. Song ông Thái cũng thừa nhận: Công tác QH xây dựng NTM vẫn gặp khó khăn, tiến độ chậm, chất lượng QH còn thấp, giữa các ngành chức năng chưa phối hợp tốt. Một số xã đã có QH NTM được phê duyệt cũng sớm lạc hậu. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về việc lập, thực hiện QH vẫn nặng tính bảo thủ, thiếu tầm nhìn, thiếu sự hài hòa giữa QH sử dụng đất với QH khu trung tâm, hạ tầng kinh tế - xã hội, khu sản xuất tập trung, khu dịch vụ…
Còn theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT Hải Dương) Trần Khắc Đoan, các tiêu chí đề ra quá nhiều nhưng quỹ thời gian để thực hiện lại quá ngắn. Riêng về xây dựng trụ sở xã, cả tỉnh Hải Dương có nhu cầu xây dựng trụ sở mới 75 trụ sở. Mức đầu tư mỗi trụ sở vào khoảng 10 tỷ đồng/trụ sở. Nhưng những năm qua, Trung ương mới chỉ cấp vốn xây dựng trụ sở 40 tỷ thì Hải Dương, rất khó làm.
Cũng đề cập đến vấn đề vốn, Chủ tịch Hội Xây dựng Thái Bình Nguyễn Hồng Chương cho biết: Mặc dù nhiều xã đã chủ động huy động được từ nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng vẫn quá ít so với tổng mức đầu tư. Theo tính toán, mỗi xã tại Thái Bình cần khoảng 200 tỷ đồng xây dựng NTM, nhưng 3 năm qua mới “tích lũy” được khoảng 2,5 tỷ đồng, trong số đó người dân đóng góp 1 tỷ đồng. Như vậy, phải rất lâu mới gom góp đủ kinh phí để đáp ứng nhu cầu. Do đó, nhiều hạng mục xây dựng dở dang do thiếu vốn, chất lượng không đảm bảo…
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng QH NTM, ông Trần Trọng Hùng cho rằng: Trước nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận cao trong dân. Việc lập, quản lý QH phải dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là tài chính theo các nguồn nhà nước, DN, nhân dân đóng góp. Các địa phương cần hoàn thiện trước một bước QH, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả vùng, huyện và đặc điểm của địa phương, làm cơ sở cho việc lập QH NTM.
Cũng theo ông Hùng, Chính phủ cần tổng kết mô hình QH NTM với các loại hình khác nhau như xã vùng cận đô thị, KCN, xã làng nghề và bán làng nghề, xã thuần nông, xã vùng ven biển, xã ĐBBB, Trung bộ, Nam bộ, xã vùng Trung du, vùng núi… và có mô hình mẫu tốt để thông tin đến các xã có đặc điểm tương tự. Chính phủ cũng cần rà soát kế hoạch triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu toàn quốc một cách thực tế, không chạy theo thành tích, kể các với các địa phương đã báo cáo hoàn thành QH NTM cũng cần rà soát, điều chỉnh, bảo đảm chất lượng QH, quản lý QH. Các bộ ngành liên quan cần sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp cho từng loại hình xã…
Ông Nguyễn Dương Thái đề xuất: Để tránh “quy hoạch treo”, cần phải xác định chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng đơn vị được giao triển khai thực hiện. Chất lượng QH phụ thuộc vào năng lực, nhận thức của chính quyền địa phương về xây dựng cũng như quản lý. Đặc biệt, nên thu hút người dân cùng tham gia, cụ thể hóa ý tưởng và phát triển nông thôn theo QH.
Một số các đại biểu khác thì kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia NTM để sát hơn với thực tế như về cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người… Cùng với việc nghiên cứu cơ chế hỗ trợ khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cần xem xét đổi mới mô hình quản lý hợp tác xã cho phù hợp với chương trình xây dựng NTM nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Việc dồn điền đổi thửa phải hướng tới mục tiêu QH thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để có những cánh đồng mẫu lớn…
Trước những ý kiến ghi nhận được tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Thành viên Ban chỉ đạo Xây dựng NTM của Chính phủ Phan Thị Mỹ Linh nhận định: QH xây dựng NTM liên quan tới nhiều bộ, ngành và có đặc thù riêng, tác động mạnh đến quản lý và phát triển xã hội. Hơn thế, nông thôn Việt Nam trải dài và có đặc thù riêng của từng vùng, miền. Bởi vậy, công tác lập, quản lý, thực hiện QH NTM phải nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho cả người dân và chính quyền dễ thực hiện, tổ chức cuộc sống cho người dân thuận tiện cả trong sản xuất và sinh hoạt. Muốn vậy, QH NTM phải đồng bộ từ QH xây dựng, QH sử dụng đất đến QH sản xuất như quy định của thông tư liên bộ số 13/2011/TTLT-BXD- BNN&PTNT- BTNMT. Thực tế cho thấy, thông tư liên bộ 13/2011/TTLT-BXD- BNN&PTNT- BTNMT đi vào cuộc sống đã tạo được đồng thuận từ các địa phương nhưng vẫn còn một số bất cập…
Thứ trưởng nhấn mạnh: QH và quản lý QH NTM được thực hiện theo lộ trình dài hạn nên muốn thành công phải từng bước thay đổi nhận thức của người dân, người quản lý và cả đơn vị tư vấn. Thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý…
Theo : Báo Xây dựng điện tử