Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Xây dựng Hoàng Hải Vân; đại diện Ban Chính sách và chiến lược Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội; đại diện lãnh các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngành VLXD Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật về VLXD còn thiếu đồng bộ, quy định pháp luật liên quan đến ngành VLXD với các văn bản Nghị định, Thông tư khác nhau do nhiều Bộ, ngành ban hành cũng dẫn đến còn bất cập, chồng chéo…
Theo Thứ trưởng, thực hiện nhiệm vụ được giao trong Công văn số 12967-CV/VPTW ngày 06/01/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc chuẩn bị đề án theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 đối với Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới”, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, ra soát, tổng hợp các nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương để tổng kết thực trạng, đánh giá kết quả trong công tác quản lý, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực VLXD để triển khai xây dựng Đề án. Sau khi hoàn thiện Dự thảo Đề án, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương.
“Hôm nay, Bộ Xây dựng tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về Đề án này”, Thứ trưởng nói và bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự sẽ tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung của hồ sơ của Đề án. Đặc biệt là các nội dung chính dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với công tác quản lý phát triển VLXD trong giai đoạn mới.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo về Dự thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cho biết: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển ngành công nghiệp VLXD theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và sử dụng VLXD mới, thông minh, vật liệu không nung…
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định rõ yêu cầu đổi mới quản lý và phát triển ngành VLXD: ngành VLXD cũng cần được tổ chức theo hướng hiện đại, tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thân thiện với môi trường; đồng thời, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo từ khâu khai thác tài nguyên, sản xuất đến quản lý và sử dụng VLXD trong đời sống.
“Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, các chủ trương lớn của Đảng thể hiện qua các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025. Để đảm bảo tăng trưởng GDP với mục tiêu 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, cần phải có sự tăng trưởng mạnh mẽ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó có ngành VLXD”, ông Lê Trung Thành nói.
Trên cở sở đưa ra sự cần thiết của Đề án, ông Lê Trung Thành đã nêu ra các mục tiêu của Đề án bao gồm: Hình thành thị trường sản xuất và kinh doanh, phân phối VLXD chuyên nghiệp đến các công trình cũng như làm chủ thị trường xuất, nhập khẩu VLXD; Áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực VLXD để tiến tới chuyển đổi toàn diện ngành VLXD;
“Khắc phục tình trạng nhiều ngành, địa phương, cơ quan cùng chịu trách nhiệm nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính, đảm bảo kết nối từ nguyên liệu, quy trình sản xuất (kiểm soát công nghệ, môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, điện năng), chất lượng sản phẩm, hàng hoá VLXD, các yêu cầu thiết kế, thi công và sử dụng, nghiệm thu VLXD sử dụng trong công trình xây dựng, áp dụng kinh tế xanh, tuần hoàn, tái chế làm nguyên liệu để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cho ngành VLXD”, ông Lê Trung Thành nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng cũng đã trình bày các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới. Cụ thể, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ; quy hoạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoảng sản làm VLXD; phát triển vật liệu thay thế, vật liệu tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh, thân thiện môi trường; nhóm nhiệm vụ đào tạo nhân lực và giải pháp hội nhập quốc tế; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm; nâng cao năng lực ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ để thúc đấy phát triển công nghiệp VLXD.

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo, tham luận liên quan đến nội dung Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới” với nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện từ đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương; quý doanh nghiệp, hiệp hội; các nhà khoa học; các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Đề án. Đồng thời, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, hoàn thiện Đề án.
Trong những năm vừa qua, phát triển vật liệu xây dựng đã được triển khai theo quy hoạch, đảm bảo đa dạng về chủng loại, số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Sản xuất vật liệu xây dựng đồng thời là một trong những giải pháp hiệu quả để đồng xử lý khối lượng lớn chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Quy mô hoạt động, năng lực sản xuất và giá trị kinh tế của ngành vật liệu xây dựng ngày càng được nâng cao. Tổng doanh thu hàng năm của toàn ngành vật liệu xây dựng (bao gồm sắt thép xây dựng) ước đạt khoảng 1.250.000 tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD), chiếm khoảng 11-12% GDP quốc gia.
|