Ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo. Cùng dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phiên họp tập trung đánh giá việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ sau phiên họp thứ 5; thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ; rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh VGP
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 7 và tháng 8 năm 2025 có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước: 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025) và 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025), 80 năm ngày Truyền thống Công an nhân dân; chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, thời hạn hoàn thành chương trình đã được rút ngắn từ năm 2030 xuống 2025, sau đó tiếp tục rút xuống 31/8/2025.
Thủ tướng khẳng định đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị: "Ngày 2/9 kỷ niệm 80 ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt, chúng ta không muốn còn ai trong nhà tạm, nhà dột nát nữa. Đây là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo việc này rất quyết liệt. Vì vậy, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát được trước 31/8/2025 là một sự nỗ lực rất lớn của toàn đảng, toàn dân và toàn quân".
Thủ tướng cũng cho rằng, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm hết sức thiết thực để tri ân, giúp đỡ các thân nhân, gia đình người có công cách với cách mạng. Do đó, phải hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng này trước ngày 24/7/2025 để tri ân, biết ơn sự hy sinh cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng hành động thiết thực và cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP.
Thủ tướng cho rằng, hiện còn 16 tỉnh hiện chưa hoàn thành việc "xóa nhà tạm, nhà dột nát", do đó, với tinh thần "ai có gì giúp cái đó", "ai có công giúp công, ai có của giúp của"..., tất cả cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân, đặc biệt gia đình có công với cách mạng.
Nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát, kiểm tra, phát động nhân dân tích cực vào cuộc, tạo phong trào, lan tỏa, truyền cảm hứng... để trước ngày 24/7 xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những hộ gia đình có công với cách mạng, thân nhân những người đã hy sinh cho cách mạng.
Trên cơ sở nguồn lực đã có, Thủ tướng đề nghị huy động lực lượng bộ đội, công an đóng quân trên địa bàn tham gia giúp công, giúp sức, với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên... dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương 2 cấp vào cuộc quyết liệt để thực hiện "xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho nhân dân hoàn thành vào 31/8/2025.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng giải ngân nguồn lực của chương trình. Ngân hàng nhà nước thúc đẩy các ngân hàng đã cam kết đảm bảo nguồn lực cho chương trình. Các cơ quan báo chí truyền thông đưa tin, nhắc nhở hàng ngày về tinh thần "ai có gì giúp cái đó", "ai có công giúp công", ai có của giúp của" "ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít" với tâm trong sáng, lòng yêu nước, sự chia sẻ đối với mỗi người khó khăn.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức, quyết liệt hoàn thành mục tiêu đề ra để ngày 24/7 này báo cáo với toàn quốc, những người có công với cách mạng không còn ai ở trong nhà tạm, nhà dột nát; ngày 31/8 báo cáo với quốc dân đồng bào, sau 80 năm thành lập nước, không còn ai phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát mà đã có chỗ ở "an cư, lạc nghiệp".

Các đại biểu tham dự phiên họp.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến hết ngày 8/7, có 18/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát (đạt 52,9%).
Các địa phương này gồm: Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai (Lào Cai, Yên Bái – trước đây), Quảng Ninh, Bắc Ninh (Bắc Ninh, Bắc Giang), Hải Phòng (Hải Phòng, Hải Dương), Hưng Yên (Hưng Yên, Thái Bình), Hà Tĩnh, Quảng Ngãi (Quảng Ngãi, Kon Tum), Khánh Hòa (Khánh Hòa, Ninh Thuận), Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Phước), TP. Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Ninh (Tây Ninh, Long An), Đồng Tháp (Đồng Tháp, Tiền Giang), Vĩnh Long (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh), An Giang (An Giang, Kiên Giang), Cần Thơ (Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang). Còn 16/34 địa phương còn lại chưa hoàn thành.
Từ sau Phiên họp thứ năm đến nay, có thêm 07 địa phương (tên địa phương trước sắp xếp) hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Lai Châu (đã khởi công 100%), Huế, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bắc Giang. Huế dự kiến tổ chức công bố hoàn thành mục tiêu vào ngày 18/7/2025, nâng tổng số địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là 19/34 địa phương.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên phần mềm cập nhật đến hết ngày 08/7/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 264.522 căn (trong đó: khánh thành 229.328 căn và khởi công, đang xây dựng 35.194 căn).
Số nhà còn lại cần triển khai từ nay đến 31/8/2025 là 25.232 căn (gồm: đang xây dựng 18.799 căn và chưa khởi công 6.433 căn). Bình quân mỗi địa phương cần triển khai thực hiện 26 căn/ngày (trong đó: khởi công mới gần 7 căn/ngày và hoàn thiện để bàn giao khoảng 19 căn/ngày).
Về kinh phí, tổng nguồn lực đã huy động (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa) đến thời điểm này được trên 17.802 tỷ đồng; huy động trên 113.400 lượt người với trên 1 triệu ngày công lao động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Tổng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước đã phân bổ hỗ trợ các địa phương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát là hơn 4.424 tỷ đồng.