Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng trưởng 8,3-8,5% năm 2025 không là 'mục tiêu bất khả thi'

Thứ tư, 16/07/2025 19:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2025 là "không thể không làm" và cũng không phải là "mục tiêu bất khả thi", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Thủ tướng chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% năm 2025 -
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng, xác định các chỉ tiêu chủ yếu và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, ngành Xây dựng cần tăng trưởng từ 9% trở lên.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành đã tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong giai đoạn 2021-2025, đóng góp 0,63 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, cùng với ngành công nghiệp chiếm tới 36,96% cơ cấu nền kinh tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, kết quả này cho thấy việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra là khả thi, nhất là trong bối cảnh ngành đang tích cực tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng.

Đặc biệt, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng, trong đó có các dự án giao thông quan trọng quốc gia, đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực tới nhiều ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, tài chính, logistics, máy móc và tiêu dùng dân cư.

Trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt dự án vượt tiến độ từ 6 - 9 tháng, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km; cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - một trong những công trình hạ tầng quan trọng bậc nhất quốc gia.

Song song đó, công tác phát triển đô thị, nhà ở xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 6/2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%. Vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực bất động sản đạt 2,25 tỷ USD, chiếm hơn 24% tổng vốn đầu tư đăng ký trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về phát triển nhà ở xã hội - một lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình các cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy triển khai các dự án tại 27 địa phương.

Tính đến ngày 30/6, đã hoàn thành 35.631 căn trên tổng số 100.000 căn mục tiêu năm 2025 và khởi công thêm 26 dự án với quy mô 23.561 căn. Đáng chú ý, Bộ đã rà soát và tháo gỡ khó khăn cho 136/788 dự án bất động sản gặp vướng mắc, đồng thời phối hợp các bộ, ngành xử lý các trường hợp còn lại.

Dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững đà tăng trưởng.

Trong đó, trọng tâm là giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công, hoàn thành chỉ tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội, duy trì tăng trưởng ngành vận tải ở mức 13%, đảm bảo sản lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm trước.

Đặc biệt, mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Xây dựng và các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhấn mạnh vai trò đồng hành cùng địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, Bộ đã thiết lập đường dây nóng, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ trong quá trình triển khai các dự án; trong trường hợp cần thiết sẽ cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ. Sau sáp nhập đơn vị hành chính, nhu cầu di chuyển nội tỉnh giữa các trung tâm đô thị cũ tăng cao, tạo áp lực lên hệ thống giao thông hiện hữu.

Do đó, Bộ đề nghị các địa phương quan tâm nâng cấp, bảo trì hoặc mở rộng các tuyến đường kết nối, đồng thời huy động nguồn lực đầu tư các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm hành chính cấp tỉnh theo quy hoạch.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc, hoàn thiện các cơ chế để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Đồng thời, đề nghị sớm ban hành quyết định điều chỉnh chỉ tiêu nhà ở xã hội đến năm 2030 để tạo cơ sở cho địa phương triển khai sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

"Hoàn thành các mục tiêu trên là hoàn toàn khả thi nếu chúng ta tiếp tục giữ vững quyết tâm chính trị, phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, và huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Xây dựng đạt tăng trưởng 9,62% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong giai đoạn 2021-2025. (Ảnh minh họa).

Ngành Xây dựng sẽ tiếp tục chủ động, đồng hành cùng các địa phương, nhất là sau sáp nhập hành chính để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Sau khi nghe các đại biểu phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình thời gian tới, nhất là những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng; thảo luận các kịch bản, mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của từng địa phương, ngành, lĩnh vực; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm, tác động mạnh mẽ và hiệu quả trong ngắn hạn, dài hạn; kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của cả nước, từng địa phương, ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu chủ yếu gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỷ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng và các nguồn khác khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.

Chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền.

Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành các mục tiêu về đường cao tốc, đường ven biển, khởi công các dự án đường sắt; các địa phương được giao công trình, dự án cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Về an sinh xã hội, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng trước ngày 27/7; quyết liệt, hiệu quả triển khai chương trình nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận về nhận thức, tầm nhìn, hành động và tổ chức thực hiện với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".

Thủ tướng chỉ đạo thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá, tổng kết linh hoạt, định kỳ và điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, gần dân, sát dân, tất cả vì nhân dân phục vụ, giải quyết ngay các công việc, vấn đề cho nhân dân tại cơ sở.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chỉ tiêu tăng trưởng bảo đảm sát tình hình, mang tính cụ thể, tính khả thi, tính chiến đấu cao, tính hệ thống và đồng bộ, tính hiệu quả để bảo đảm mục tiêu đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trình nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc liên quan quy hoạch, vốn ODA, giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường, hoàn thành trong tháng 7.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhưng không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chỉ tiêu tăng trưởng bảo đảm sát tình hình, mang tính cụ thể, tính khả thi, tính chiến đấu cao, tính hệ thống và đồng bộ, tính hiệu quả để bảo đảm mục tiêu đề ra.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)