Ngày 04/7/2025, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Huế gồm các khu bến: Chân Mây; Thuận An; Phong Điền; các khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão với mục tiêu đến năm 2030: Hàng hóa và hành khách thông qua: hàng hóa từ 13,6 triệu tấn đến 20,3 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,03 triệu TEU đến 0,04 triệu TEU); hành khách từ 276,1 nghìn lượt khách đến 285 nghìn lượt khách; Về kết cấu hạ tầng: có tổng số 10 bến cảng gồm từ 19 đến 25 cầu cảng với tổng chiều dài từ 4.725 m đến 6.125 m (chưa bao gồm các bến cảng khác); Xác định phạm vi vùng đất, vùng nước phù hợp với quy mô bến cảng và đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Tầm nhìn đến năm 2050: Hàng hóa và hành khách thông qua với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm.
Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam: Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành của thành phố Huế: công bố, kiểm tra, giám sát quy hoạch và thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành hàng hải tại cảng biển Huế theo thẩm quyền; tham mưu cho Bộ Xây dựng hoặc xử lý theo thẩm quyền nội dung có liên quan về dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cầu cảng, bến cảng, giao thông kết nối; Nghiên cứu, đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, quyết định việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng, tiến độ thực hiện các cầu, bến cảng; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, khai thác và các giải pháp quản lý, khai thác các bến cảng thuộc cảng biển Huế; Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, đề xuất xử lý các dự án không tuân thủ quy hoạch và kiến nghị những giải pháp về đầu tư để bảo đảm hiệu quả triển khai; Hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch được duyệt; đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Huế chỉ đạo việc cập nhật các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt; quản lý, bố trí quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng; Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải và Đường Thủy Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch cảng biển và các định hướng phát triển giao thông kết nối cảng biển trong quy hoạch; Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị xây dựng, môi trường, quốc phòng, an ninh để giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định trong quá trình chấp thuận, cấp phép đầu tư bến cảng, cầu cảng; Chủ trì chỉ đạo việc xây dựng cơ chế, giải pháp di dời các công trình, trong đó có bến phao xăng dầu 5.000 tấn và các công trình liên quan do Chi nhánh công ty cổ phần xăng dầu dầu khí PV OIL Miền Trung Xăng dầu Chân Mây quản lý khai thác để đầu tư phát triển các bến cảng theo quy hoạch; Chủ trì quy định, công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển Huế theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.