Trước đó, ngày 21/5/2025, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chuyển đến theo Công văn số 602/UBDNGS15, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri phản ánh, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ: “Từ ngày 15/2/2025: đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông; đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 50 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ lịch trình, thời gian và phạm vi hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các đô thị và điểm du lịch hầu như không có tuyến đường nào được đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện, dẫn đến việc toàn bộ xe chở người bốn bánh có gắn động cơ (như xe điện chở khách du lịch) buộc phải dừng hoạt động sau ngày 15/2/2025. Quy định này gây khó khăn, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh vận tải của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP theo hướng: “Từ ngày 15/2/2025, đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 50 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ lịch trình, thời gian và phạm vi hoạt động của các loại xe này theo đúng quy định của pháp luật” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm nhu cầu vận chuyển, du lịch và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
1. Các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ, cụ thể như sau:
- Tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định:
“d) Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe);
đ) Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW”.
- Tại khoản 6 Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương”.
- Tại khoản 2 Điều 48 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thời gian, phạm vi hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương”.
- Tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định:
“Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ đang khai thác, sử dụng thuộc phạm vi quản lý; hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, tổ chức thực hiện quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.
Từ ngày 15 tháng 02 năm 2025: đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông; đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 50 km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ lịch trình, thời gian và phạm vi hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ theo đúng quy định của pháp luật”.
- Tại khoản 9 Điều 76 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động vận tải đường bộ đã quy định: “Đơn vị, hộ kinh doanh sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ tham gia hoạt động thí điểm trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025, kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2025 phải đáp ứng quy định của Nghị định này”.
2. Triển khai các quy định của pháp luật nêu trên, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã có Văn bản số 14330/BGTVT-VT ngày 31/12/2024 và Văn bản số 1321/BGTVT-VT ngày 11/2/2025 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các quy định có liên quan để đảm bảo hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ được an toàn, thông suốt; căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, xác định phạm vi và thực hiện đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để tổ chức hoạt động đối với xe bốn bánh có gắn động cơ đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, để giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp về vấn đề này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đã có Văn bản số 953/CSGT-P7 ngày 27/2/2025 gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định liên quan đến xe bốn bánh có gắn động cơ. Trong đó, đề nghị Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban nhân dân triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Luật và Nghị định 165/2024/NĐ-CP về kiểm soát, quản lý hoạt động của xe bốn bánh có gắn động cơ do loại xe này còn một số hạn chế, bất cập tác động đến tình hình an ninh trật tự nói chung, an toàn giao thông nói riêng, cụ thể: loại phương tiện này không có túi khí, không có dây đai an toàn, không có cửa hoặc có cửa nhưng không chắc chắn, không đảm bảo an toàn; có vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h (đối với xe chở người) nhưng lại được các địa phương cho phép tham gia giao thông trên một số tuyến đường giao thông có tình hình giao thông phức tạp, giao thông hỗn hợp, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, tốc độ lưu thông cao, nhiều thành phần phương tiện,... trong khi loại xe điện này có tốc độ thấp, gây cản trở các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Loại phương tiện này thường xuyên vi phạm dừng đỗ không đúng nơi quy định, tự do đón, trả khách sai quy định,... ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai quan tâm, phối hợp có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai để chỉ đạo các đơn vị có liên quan tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức hoạt động cho xe bốn bánh có gắn động cơ phù hợp với yêu cầu quản lý trên địa bàn địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình hoạt động của loại phương tiện này để có giải pháp quản lý phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trên đây là trả lời của Bộ Xây dựng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai để thông tin tới cử tri.