Thái Nguyên: Ưu tiên cho giao thông nông thôn

Thứ hai, 14/04/2025 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hơn 10 năm lại đây, Thái Nguyên đã đầu tư mạnh mẽ cho giao thông nông thôn. Không chỉ tập trung vào các tuyến ở địa bàn dân cư, tỉnh còn mở rộng cứng hóa đường vào khu sản xuất tập trung. Nhờ đó, hầu hết đường giao thông ở các xã nông thôn đã được mở rộng, cứng hóa; nhiều tuyến đường ở bản, làng vùng cao được đầu tư xây dựng… mở ra cơ hội phát triển – kinh tế xã hội.

Phục vụ nhu cầu dân sinh

Một tuyến đường tại xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, Võ Nhai).

Đi trên những cung đường bê tông uốn lượn ở xã Cù Vân (Đại Từ), chúng tôi cảm nhận được niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt của bà con nơi đây. Ngoài Cù Vân, nhiều tuyến đường giao thông ở các xã, thị trấn khác của huyện Đại Từ cũng được cứng hóa, tạo sự kết nối thông suốt. Từ đó mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nông thôn.

Theo thống kê, hết năm 2024, Đại Từ đã nhựa hóa, bê tông được151km đường cấp huyện (đạt 100%), trong đó 90km được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, 86km được trồng cây xanh.

Tương tự, trong 2 năm (2023 và 2024), huyện Phú Bình cũng đã đầu tư xây dựng gần 120km đường giao thông cấp xã, xóm với kinh phí hơn 225 tỷ đồng. Đáng nói, trong quá trình đầu tư làm đường giao thông, huyện đặc biệt quan tâm đến nâng cấp, mở rộng, xây mới, kết nối những tuyến đường tỉnh, huyện và kết nối giao thông giữa các khu vực, vùng sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ chính là đòn bẩy giúp quê “lúa” Phú Bình có sự bứt phá khá ngoạn mục; sản xuất nông nghiệp, dịch vụ - thương mại phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện.

Có thể thấy, việc phát triển mạng lưới giao thông đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, góp phần cải thiện môi trường sống, tạo bộ mặt khang trang cho các xã nông thôn của tỉnh.

Đặc biệt, Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn theo quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trên từng địa bàn, theo hướng bền vững và đồng bộ với sự phát triển các kết cấu hạ tầng khác…

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, ngày công lao động... được các địa phương triển khai hiệu quả trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, ngày công lao động... được các địa phương triển khai hiệu quả trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Tạo bước phát triển đột phá

Năm 2024, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, cải tạo và nâng cấp hơn 380km đường giao thông nông thôn. Điều này đã tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng, tạo ra bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Minh chứng rõ nét nhất chính là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Huyện ủy Đại Từ về việc mở rộng đường 6m. Theo đó, nhiều địa phương trong huyện đã đồng loạt ra quân. Nhờ đó, các tuyến đường bê tông trước đây chỉ rộng chừng 3m nay đã mở rộng thành 6m, thậm chí 7-8m.

Cũng từ đầu tư mở rộng hệ thống giao thông đã góp phần giúp xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, Võ Nhai, trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách đánh giá cao.

Thực tế, với nhiều nỗ lực, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển, tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế - xã hội và là điểm nhấn nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.

Dù vậy, việc huy động đối ứng làm đường giao thông nông thôn ở các địa bàn miền núi, vùng cao vẫn gặp không ít khó khăn. Hệ thống giao thông ở nhiều bản, làng vùng cao sau nhiều năm đầu tư nay đã có hiện tượng xuống cấp…

Do đó, để hệ tầng giao thông nông thôn ngày càng phát triển, các cấp, ngành trong tỉnh cần tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác để đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn. Tăng cường quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình, quản lý chặt nguồn kinh phí, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực trong chi tiêu. Công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đối với các công trình hạ tầng giao thông nông thôn cũng cần được chú trọng hơn…/.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)