Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh: Vượt núi, băng rừng chạy đua với thời gian

Thứ hai, 21/04/2025 11:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trên công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, các nhà đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực ngày, đêm, gỡ từng nút thắt, bảo đảm mục tiêu thông hai tuyến cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt chỉ đạo mục tiêu thông tuyến đường cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau vào năm 2025, các nhà đầu tư, nhà thầu của dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang dốc toàn lực, vượt qua muôn vàn thách thức địa hình để bám sát tiến độ.

Vượt núi, băng rừng chạy đua với thời gian đưa cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành đúng tiến độ.

Đồng lòng đẩy nhanh tiến độ

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Ban Điều hành Dự án đã chủ động xác định các điểm xung yếu, tổ chức lại biện pháp thi công, tăng cường mũi thi công và huy động thêm nhân lực, thiết bị. Hàng tuần, hai Ban Điều hành đều tổ chức họp giao ban với nhà thầu để kiểm soát sát sao tiến độ, kịp thời điều chỉnh nhân sự và thiết bị phù hợp với điều kiện thời tiết và địa hình.

Tại dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, doanh nghiệp dự án (DNDA) đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực. Tính đến nay, hơn 2.000 cán bộ, công nhân cùng 985 thiết bị máy móc đang ngày đêm làm việc tại công trường. Chiến dịch thi đua 200 ngày đêm “vượt nắng, thắng mưa” đang được DNDA phối hợp cùng các nhà thầu phát động, hướng tới mục tiêu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.

Hàng nghìn nhân công đang được triển khai trên công trường với hơn 20 mũi thi công.

Ông Nguyễn Xuân Thanh – Ca trưởng bộ phận Bê tông vỏ hầm – Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tiến độ hầm Đông Khê đang vượt chỉ tiêu, nếu thời tiết thuận lợi, có thể hoàn thành trước kế hoạch 3 tháng, tức vào tháng 10/2025.

Để chủ động mặt bằng, nhà đầu tư và nhà thầu đã tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng, đến nay đã thi công được khoảng 90% diện tích. Chính quyền địa phương cùng DNDA sát cánh hỗ trợ người dân di dời, san gạt nền, đảm bảo an sinh trong quá trình triển khai dự án.

Cầu 79 vượt sông Bằng đang được triển khai.

Đáng chú ý, doanh nghiệp dự án cũng đã tạm ứng thêm 10% kinh phí để các nhà thầu bổ sung thiết bị, nhân lực, đảm bảo khả năng ứng phó khi có sự cố kỹ thuật hoặc thời tiết bất lợi.

Ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh khẳng định: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với từng nhà thầu, ký cam kết theo tuần, giao ban hàng tuần để kiểm soát sát tiến độ. Có nhà thầu dù đủ máy móc vẫn chủ động thuê thêm thiết bị để tận dụng thời gian, đẩy nhanh sản lượng”.

Theo ông Tuấn, Thủ tướng đã chỉ đạo, đến cuối năm nay phải thông tuyến cao tốc này, như vậy là chỉ còn 8 tháng để thi công. Do đó, để chủ động đẩy tiến độ lên cao, đơn vị đã họp, tăng cường nhân lực, máy móc vào những điểm, vị trí thi công khó khăn, mở thêm các mũi triển khai thi công, cam kết hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cầu 79 bắc qua sông Bằng được xem là hạng mục khó khăn nhất của toàn dự án.

Địa hình hiểm trở – Thách thức không nhỏ

Dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và địa phương, nhưng thách thức về địa hình, khí hậu và nhân lực vẫn đang đè nặng lên vai các nhà thầu.

Dự án đi qua địa hình rừng núi hiểm trở, đặc biệt là vùng núi đá vôi với nhiều hang động ngầm, nền đất yếu dễ sạt lở khi có mưa lớn. Đây là khu vực có địa chất phức tạp, thi công khó khăn và yêu cầu giải pháp kỹ thuật đặc biệt, thân thiện với môi trường.

Trên công trường phá núi đá làm đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tại Km79+250, cầu bắc qua sông Bằng được xem là hạng mục khó khăn nhất của toàn dự án. Đường tiếp cận duy nhất lại ngoằn ngoèo, gập ghềnh và nhiều vực sâu. Để thi công được hạng mục này, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động mở đường công vụ dài hơn 6km ở cả hai đầu cầu, đồng thời triển khai hai mũi thi công để đảm bảo tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông trước mùa mưa lũ.

Tại cụm cầu cạn từ Km68 đến Km73, mặt bằng hẹp, địa hình dốc đứng, trụ cầu cao trên 50m, việc vận chuyển vật tư, thiết bị vô cùng khó khăn. Nhà thầu đã mở thêm các tuyến đường công vụ kiểu “xương cá”, sử dụng máy móc đặc chủng để tiếp cận công trình. Những vị trí này đều thuộc đường găng tiến độ – quyết định đến việc có hoàn thành dự án đúng hạn hay không.

Dự án phấn đấu thông tuyến kỹ thuật trong năm 2025.

Giải bài toán nhân lực và thời tiết

Một trong những bài toán nan giải là nhân sự điều khiển máy móc hạng nặng – nguồn nhân lực khan hiếm tại khu vực miền núi. Để tháo gỡ, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo nghề, đề xuất Bộ Xây dựng huy động giảng viên và học viên Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1 trực tiếp hỗ trợ công trường.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng là rào cản lớn. Dự án đang chạy đua với thời gian khi mùa mưa miền Bắc đang đến gần. Nếu không tranh thủ tối đa thời tiết khô ráo từ nay đến tháng 6, tiến độ toàn dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các nhà thầu buộc phải làm việc 3 ca/ngày, tăng cường nhân sự, tận dụng từng giờ nắng để thi công liên tục.

Ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Đơn vị thi công dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tuân thủ nghiêm các yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh môi trường và chất lượng trong suốt quá trình thi công. Bên cạnh đó, lực lượng trực tại công trường, gồm doanh nghiệp dự án, các đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu, luôn đảm bảo nhân sự duy trì tiến độ thi công đúng kế hoạch.

Lãnh đạo hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đã cam kết bàn giao mặt bằng toàn bộ trong tháng 4/2025. Cùng với đó, các DNDA đề nghị địa phương chỉ đạo đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật, cũng như cập nhật kịp thời giá vật liệu xây dựng để ổn định chi phí đầu vào.

Hầm Đông Khê trên cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã thông và đang hoàn thiện.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh không chỉ là một công trình hạ tầng, mà còn là biểu tượng cho ý chí chinh phục thiên nhiên, vượt rừng, băng núi của hàng nghìn kỹ sư, công nhân. Dù địa hình phức tạp, nhân lực khan hiếm, thời tiết khắc nghiệt, nhưng với quyết tâm cao độ từ Chính phủ đến từng địa phương, sự đồng lòng của người dân và nỗ lực không ngừng nghỉ từ các nhà thầu, mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2025 hoàn toàn khả thi.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Điểm đầu của tuyến tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.

Giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào ngày 1/1/2024 với chiều dài hơn 93 km, xuyên qua khu vực địa hình phức tạp, trên tuyến có 60 cầu cạn và 2 hầm xuyên núi. Với tổng mức đầu tư là 14.331 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm tỷ lệ 69,43%, tương đương 9.800 tỷ đồng, dự án này đã được hoạch định sẽ hoàn vốn trong khoảng thời gian 22 năm 4 tháng.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục được đầu tư thêm 28 km cao tốc, đồng thời mở rộng toàn bộ tuyến lên quy mô nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 dự kiến khoảng 9.161 tỷ đồng, trong đó 6.350 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 2.811 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của nhà đầu tư.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)