Bắc Kạn: Ba tuyến đường, chung một khát vọng hướng tới tương lai

Thứ ba, 22/04/2025 11:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Giữa đại ngàn Việt Bắc hiểm trở, ba tuyến đường trọng điểm nối thành phố Bắc Kạn với hồ Ba Bể đã hoàn thành, khép lại hành trình gian nan và mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch, thương mại cho địa phương.

Khơi thông mạch núi, đưa Ba Bể về gần thành phố

“Trước kia từ thành phố đến hồ Ba Bể, chúng tôi phải đi gần hai giờ, đường đèo dốc quanh co. Nay đi ô tô chưa đến một tiếng, thậm chí chỉ 30 phút. Không ai nghĩ có ngày lại thuận tiện đến vậy!”- ông Hứa Văn Trình, người dân thôn Pác Ngòi (Ba Bể) nở nụ cười hạnh phúc khi được đi trên những con đường mới thênh thang.

Tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể

Ba dự án giao thông trọng điểm – gồm tuyến TP. Bắc Kạn – hồ Ba Bể (kết nối sang Na Hang – Tuyên Quang), tuyến Quảng Khê – Khang Ninh và hệ thống hạ tầng xung quanh hồ Ba Bể có tổng vốn đầu tư trên 4.700 tỷ đồng. Đây không chỉ là những công trình hạ tầng, mà còn là chiến lược kết nối không gian phát triển vùng, đưa du lịch sinh thái Ba Bể thoát khỏi thế “đẹp mà khó đến”, giúp người dân vùng sâu rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội với trung tâm.

Nơi gian khó thử lòng quyết tâm

Ngay từ ngày động thổ, 25/11/2021, thách thức đã bày ra trước mắt: Địa hình đồi núi hiểm trở, rừng tự nhiên cần chuyển đổi mục đích sử dụng, thời tiết khắc nghiệt với những trận mưa lũ kéo dài. Bão Yagi từng khiến tuyến đường thiệt hại tới 60 tỷ đồng, lùi tiến độ hàng tháng trời. Nhiều đoạn xuyên qua rừng, vách đá, thi công không thể dùng máy móc lớn mà phải dùng sức người từng bước đào núi, lắp kè, đổ móng.

Đặc biệt, tuyến TP. Bắc Kạn – Ba Bể dài 37km có nhiều đoạn đi qua khu vực rừng tự nhiên, nên việc thi công đòi hỏi phải có thiết kế kỹ lưỡng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Những giải pháp thi công mới như tường chắn công nghệ MSE lần đầu tiên được áp dụng tại Bắc Kạn để xử lý các vị trí có địa hình phức tạp, giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí, bảo vệ môi sinh.

Không chỉ địa hình, khí hậu, khó khăn còn đến từ việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng. Do các mỏ đá, mỏ cát trong tỉnh có quy mô nhỏ, nhiều nhà thầu phải vận chuyển vật tư từ tỉnh ngoài, kéo theo chi phí tăng cao, thi công bị động.

Ông Ngô Thành Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Quý, một trong những nhà thầu tham gia thi công những hạng mục khó nhất của tuyến đường cho biết: “Thực hiện thi công những cây cầu lớn trên tuyến như cầu Phiêng Phung, cầu Khuổi Lò và các đoạn đường ở những điểm có địa hình hiểm trở, sạt trượt khối lượng đất đá cực kỳ lớn. Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, bố trí những kỹ sư giỏi, động viên anh em cùng vượt qua khó khăn tìm giải pháp tối ưu nhất để triển khai, thậm chí báo cáo chủ đầu tư cho phép điều chỉnh thiết kế, phương án thi công đối với các hạng mục khó khăn không thể triển khai theo phương án ban đầu, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ về đích theo kế hoạch”.

Chỉ đạo xuyên suốt, giải quyết tại công trường

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo các công trình giao thông trọng điểm tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể ngày 18/4/2024

Trước những thách thức đó, lần đầu tiên Bắc Kạn thành lập Ban Chỉ đạo các công trình giao thông trọng điểm cấp tỉnh, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy thường xuyên trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai, tháo gỡ vướng mắc ngay tại hiện trường. Những cuộc họp bất ngờ trong đêm, những chuyến thị sát khẩn trương của lãnh đạo tỉnh đã truyền cảm hứng, lan toả quyết tâm phải thực hiện bằng được các công trình, giúp đẩy nhanh tiến độ.

Không chỉ có sự vào cuộc của tỉnh, các công trình còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến kiểm tra công trường tuyến TP. Bắc Kạn – hồ Ba Bể. Thủ tướng nhấn mạnh: “Bàn làm, không bàn lùi; đã nói là làm; đã làm thì phải xong”. Thông điệp mạnh mẽ ấy tiếp thêm quyết tâm cho toàn bộ đội ngũ kỹ sư, công nhân đang ngày đêm bám trụ công trường, coi việc thi công là sứ mệnh chứ không đơn thuần là hợp đồng.

Công nhân thi công xuyên đêm, bất chấp giá lạnh

Nhớ lại cách đây hơn 1 năm, trên công trường trong những ngày giá rét, nhất là khu vực lán nằm sâu trong rừng già Đôn Phong, nhiệt độ sáng sớm và đêm có lúc xuống tới 2-3 độ C, những người thợ máy, tài xế vẫn đều đặn chia ca kíp, làm xuyên đêm để kịp tiến độ. “Trời mưa, rét cắt da cắt thịt, chúng tôi vẫn thi công liên tục, vì đây không chỉ là dự án của tỉnh mà còn là niềm tự hào khi góp một phần vào thay đổi quê hương”, anh Đỗ Hữu Duẩn, Chỉ huy trưởng công trình cầu Khuổi Lò chia sẻ.

Các đơn vị thi công cũng linh hoạt hỗ trợ tăng ca, chăm lo từng bữa ăn đêm, từng chai nước, từng chỗ nghỉ ngơi an toàn giữa núi rừng để giữ sức cho công nhân. Những hình ảnh ấy, tuy nhỏ, nhưng là minh chứng rõ rệt cho tinh thần đồng lòng vượt khó vì mục tiêu chung.

Giờ đây, khi ba tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, diện mạo vùng hồ Ba Bể đang thay đổi từng ngày. Những ngôi nhà mới mọc lên dọc tuyến, dịch vụ du lịch khởi sắc, giao thương sôi động, người dân đi lại thuận tiện, thời gian rút ngắn một nửa, chi phí giảm rõ rệt.

Giai đoạn 2 của tuyến đường từ hồ Ba Bể sang Na Hang (Tuyên Quang) đang được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành vào cuối năm 2025

Đây không chỉ là cơ hội cho du lịch Bắc Kạn mà còn là “mắt xích” quan trọng trong liên kết vùng: Từ hồ Ba Bể nối sang hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), liên thông đến hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), thác Bản Giốc (Cao Bằng), tạo thành trục du lịch sinh thái liên tỉnh – liên vùng.

Giai đoạn 2 của tuyến TP. Bắc Kạn – Na Hang hiện cũng đang được thần tốc triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Song song, tuyến cao tốc Chợ Mới – TP. Bắc Kạn đã được khởi công, và mới đây, Chính phủ cũng cho phép điều chỉnh tiến trình đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng về trước năm 2030. Một tương lai phát triển đang hiện rõ từng ngày.

Ông Đinh Quang Tuyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Ba tuyến đường này là thành quả của biết bao nỗ lực, đoàn kết từ tỉnh đến cơ sở, từ cơ quan quản lý, đơn vị thi công đến sự đồng thuận của người dân. Đây không chỉ là những tuyến đường về mặt kỹ thuật, mà còn là những con đường chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, du lịch và an sinh của tỉnh nhà... Sự hoàn thành của các tuyến đường hôm nay không chỉ mở ra cơ hội, mà còn đặt ra trách nhiệm rất lớn với các cấp chính quyền và Nhân dân địa phương trong việc khai thác hiệu quả, giữ gìn công trình và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường”.

Khép lại hành trình, mở ra tương lai

Từ một tỉnh miền núi với hạ tầng hạn chế, Bắc Kạn đang bứt phá để trở thành điểm sáng của vùng trung du – miền núi phía Bắc. Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông Bắc Kạn, gọi những con đường này là “biểu tượng của ý chí vượt khó và khát vọng vươn lên của tỉnh”.

Ba tuyến đường, ba mạch nối phát triển, không chỉ đánh dấu kết quả của một hành trình đầu tư bền bỉ mà còn mở ra con đường mới cho kinh tế, du lịch, đời sống người dân. Từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể, từ bản làng đến đô thị, từ hiện tại đến tương lai. Con đường ấy đã được nối bằng tất cả niềm tin, tâm sức, trí tuệ và tình yêu với quê hương.

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)