Triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025

Thứ ba, 22/07/2025 08:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện yêu cầu các đơn vị  Triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Bộ Xây dựng về tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025.

Hướng di chuyển của bão số 3 sáng 21/7. Nguồn: NCHMF

Công điện gửi các Khu Quản lý đường bộ I, II, III; Các Sở Xây dựng: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk; Các Ban Quản lý dự án: 3, 4, 5; Doanh nghiệp BOT quản lý, kinh doanh khai thác quốc lộ, đường cao tốc theo hình thức BOT (các Khu QLĐB, Sở Xây dựng gửi văn bản này đến các doanh nghiệp BOT); Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Tổng công ty VEC); Phòng Quản lý, tổ chức giao thông - Cục ĐBVN.

Công điện nêu rõ, ngày 19/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg về việc “Tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025”. Bộ Xây dựng đã có Công điện số 35/CĐ - XD ngày 19/7/2025 về việc “Tập trung ứng phó bão số 3 (Bão WIPHA)”. Ngày 18/7/2025 Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN) đã có Công điện số 09/CĐ - CĐBVN về việc “Tập trung theo dõi, ứng phó với cơn bão Wipha gần Biển Đông”.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia hồi 10h ngày 20/7/2025, tâm bão số 3 ở khoảng 21,8°N; 114,2°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11–12 (103–133km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20–25km/h. Để phòng, chống và kịp thời ứng cứu của bão số 3 gây ra bảo đảm giao thông thông suốt, Cục ĐBVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nội dung sau:

1. Nghiên cứu, quán triệt việc thực hiện Công điện số 112/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 35/CĐ - BXD, Công điện số 09/CĐ - CĐBVN của Cục ĐBVN đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan và các đơn vị trực thuộc để triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ công tác phòng, chống, ứng phó và sẵn sàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

2. Triển khai phương án đối phó với diễn biến của bão số 3, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình đường bộ, cầu, cống, kho tàng, phương tiện vận tải, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão số 3 gây ra; có phương án di dời thiết bị nếu cần, tài sản và giằng chống nhà cửa.

3. Tiến hành kiểm tra toàn bộ các bến phà, cầu phao, bến đò và các phương tiện phục vụ công tác vượt sông được giao quản lý; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang hoạt động trái phép. Các phương tiện vượt sông đưa vào sử dụng phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn. Không tổ chức vận chuyển hành khách sang sông trong điều kiện thời tiết xấu: giông, bão, lũ lớn, …

4. Kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3; đối với cầu dây văng, dây võng (như cầu Bãi Cháy, cầu Kiền…), cầu yếu thì cần phải tổ chức theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. Kịp thời điều chỉnh giảm tốc độ lưu thông tại các cầu treo, cầu cao, cầu vượt biển, cầu đường ven biển để an toàn giao thông và an toàn công trình.

5. Phối hợp chính quyền cấp xã thông báo cho người dân, hộ gia đình trong khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ lũ quét, lũ ống để có kế hoạch di dời để phòng sạt lở đất đá gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe Nhân dân.

6. Đề nghị VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, BOT có kế hoạch, biện pháp bảo đảm an toàn điện, an toàn hệ thống thu phí, hệ thống thông tin tại các trạm thu phí, để công tác thu phí hoạt động bình thường, không gây ùn tắc giao thông.

7. Lập các tổ công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng yếu; thường xuyên kiểm tra các đoạn đường đèo dốc trên các tuyến đường độc đạo, cầu yếu, cầu tạm đảm bảo giao thông và có biện pháp cũng như phương án bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; xử lý kịp thời các hư hỏng do thiên tai gây ra.

8. Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa; chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi Bắc Bộ hay có lũ quét đột xuất.

9. Rà soát vật tư (rọ thép, đá hộc, đá dăm…), thiết bị, nguồn lực dự phòng, bảo quản, sử dụng, cấp phát kịp thời, đúng quy định, đúng mục tiêu và đối tượng sử dụng cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai (PCKPHQTT); khi cần điều chuyển tăng cường đến các kho vật tư dự phòng gần các vùng, khu vực có dự báo sắp có bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt để chủ động ứng phó, rút ngắn thời gian trong công tác KPHQTT; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCKPHQTT.3

10. Đối với các vị trí sạt lở lớn tắc giao thông phải cử ngay Lãnh đạo Cục QLĐB, Lãnh đạo Sở Xây dựng đến hiện trường, triển khai ngay phương án phân luồng giao thông từ xa; khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.

11. Thực hiện cắm báo hiệu đường bộ, biển cấm tạm thời tại các vị trí ngầm, tràn và các đoạn đường bị ngập do lũ lụt, các vị trí sạt lở, trượt, đứt đường và các vị trí khác không bảo đảm ATGT; rà soát bổ sung, điều chỉnh báo hiệu đường bộ khi cần thiết để bảo đảm ATGT; báo hiệu đường thủy, phao, tiêu tại các bến phà, cầu phao đường bộ. Kiên quyết không cho phép người, phương tiện tham gia giao thông đi qua các vị trí nguy hiểm không bảo đảm ATGT.

12. Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chuẩn bị thiết bị, vật tư phục vụ bơm, tiêu thoát nước nếu có đoạn tuyến quản lý bị ngập nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

13. Các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có biện pháp bảo đảm an toàn công trình đang thi công, cảnh báo tại các hố móng, công trình đề phòng tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn do người, thiết bị rơi xuống hố, móng công trình.

14. Đề nghị các Sở Xây dựng hướng dẫn UBND cấp xã phòng, chống bão và mưa lũ đối với đường do cấp xã quản lý, công tác phòng, chống thiên tai tại bến phà, đò ngang, đường ngầm, đường tràn của địa phương.

15. Duy trì nghiêm túc chế độ trực 24/24h; công bố số điện thoại trực đường dây nóng về phòng, chống thiên tai và đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống; phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến của bão số 3; báo cáo thường xuyên tình hình diễn biến, ảnh hưởng của bão số 3 về Ban Chỉ huy PCTT& TKCN Cục ĐBVN theo số điện thoại “1900.54.55.70 - nhánh số 3”.

16. Giao Phòng Quản lý, tổ chức giao thông - Cục ĐBVN:

a) Đầu mối theo dõi đôn đốc việc thực hiện văn bản này và các công điện nêu trong văn bản.

b) Thường trực tại Cục ĐBVN để xử lý mọi tình huống do bão số 3 gây ra.

c) Trực tiếp tham gia kiểm tra việc phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số đơn vị.

d) Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện công tác này.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)