Ngày 20/5/1955, đúng một tuần sau ngày giải phóng thành phố và cảng Hải Phòng, hai hoa tiêu Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Y Nết dẫn thành công hai tàu biển của Pháp - tàu SaintValery-en-Caux (trọng tải 10.000 DWT) và tàu Le Vernon (trọng tải 8.000 DWT) - cập cảng Hải Phòng an toàn, khiến người Pháp không khỏi thán phục. Đó là cột mốc đánh dấu sự hoạt động trở lại của Cảng Hải Phòng. 70 năm sau, cảng biển Hải Phòng "lột xác" ngoạn mục, đủ năng lực tiếp nhận những “siêu tàu” container lớn nhất thế giới, trở thành cụm cảng có tần suất tàu thuyền vào làm hàng nhộn nhịp hàng đầu thế giới.

Cảng biển tại khu vực Lạch Huyện đủ năng lực đón tàu container lớn nhất thế giới.
Dấu ấn lịch sử
Cảng Hải Phòng được hình thành từ năm 1874 với 6 nhà kho ban đầu, in dấu trong câu ca quen thuộc: “Hải Phòng có bến Sáu Kho. Có sông cửa Cấm, có lò xi măng.” Sau ngày giải phóng thành phố (13/5/1955), vào ngày 20-5, dù không có tài liệu về luồng lạch, các hoa tiêu của cảng tự nghiên cứu, vẽ lại luồng tàu và dẫn dắt thành công hai tàu Pháp lớn vào cảng. Cảng sau đó được Bộ Giao thông Công chính tiếp quản và nhanh chóng được khôi phục chức năng như một thương cảng lớn nhất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Cảng Hải Phòng giữ vai trò đầu mối đường biển lớn nhất, tiếp nhận gần 40 triệu tấn hàng viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân Mỹ với hơn 300 trận oanh kích từ năm 1965 đến 1972.
Sau năm 1975, do nguồn lực đầu tư hạn chế, cơ giới hóa tại cảng còn thấp, thời gian giải phóng hàng kéo dài. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, bến cảng chỉ có khả năng tiếp nhận tàu từ 10.000 đến 15.000 tấn. Luồng vào cảng hẹp và bị bồi lắng nhanh khiến tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra. Ông Cao Tiến Thụ, nguyên Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng, nhớ lại cuối thập niên 90, luồng tàu bị sa bồi nghiêm trọng đến mức tàu lớn không thể vào được.
Sự đổi thay kỳ diệu
Năm 1999, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, đó là bước ngoặt lớn vì lần đầu tiên, cảng biển được quy hoạch ở quy mô toàn quốc. Cảng Hải Phòng bắt đầu chuyển mình, đặc biệt với dự án nâng cấp cảng Chùa Vẽ thành bến container đạt chuẩn quốc tế. Đến năm 2007, sau khi hoàn tất nâng cấp, Chùa Vẽ trở thành bến container hiện đại nhất miền Bắc với công suất 500.000 TEU/năm. Không dừng lại, các dự án mới liên tiếp được triển khai tại khu vực Tân Vũ, Đình Vũ... từ các nguồn vốn ngoài ngân sách. Đặc biệt, cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện được xây dựng với khả năng tiếp nhận tàu container trên 200.000 DWT.
Ngày 13/5/2018, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng, Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) tại khu bến Lạch Huyện chính thức đi vào khai thác. Đây là cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc và thuộc nhóm 20 cảng container lớn nhất thế giới, có khả năng đón tàu trọng tải 132.900 tấn, sức chở 12.000 TEU, đi thẳng tới châu Mỹ, châu Âu mà không cần trung chuyển. Hành trình “lột xác” ấy càng thêm ý nghĩa khi vào tháng 4/2025, Tập đoàn Hateco khánh thành Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (bến số 5,6). Và mới đây, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, bến số 3 và 4 do Công ty CP Cảng Hải Phòng đầu tư cũng chính thức khánh thành.
Hiện, trong tổng số gần 300 bến cảng trên cả nước, Hải Phòng đứng đầu với 50 bến, tổng chiều dài cầu cảng hơn 15 km. Sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng tại đây liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành hàng hải quốc gia. Sang năm 2026, các bến số 7, 8 và những bến tiếp theo tại khu Lạch Huyện sẽ được khởi công. Đồng thời, các bến đầu tiên của cảng Nam Đồ Sơn cũng dự kiến khởi công trước năm 2030.
Thành phố còn tiên phong đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng từ ngân sách để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với điểm cuối là khu cảng Lạch Huyện, cùng hai tuyến nhánh kết nối đến cảng Nam Đình Vũ và Nam Đồ Sơn. Đây sẽ là bước đột phá, mở ra kỷ nguyên mới cho cảng biển Hải Phòng - không chỉ là cửa ngõ quốc gia, mà còn là trung tâm trung chuyển quốc tế vững chắc trên bản đồ hàng hải toàn cầu.