Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà & công trình

Thứ tư, 22/11/2023 16:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong đầu tư xây dựng nhà và công trình là một việc làm hết sức quan trọng, bởi phòng cháy chữa cháy giúp hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cháy nổ gây ra về người và tài sản. Hỏa hoạn, cháy nổ trong đời sống hàng ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính vì vậy nếu không có những biện pháp kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, không những vậy còn có thể ảnh hưởng đến những khu vực lân cận. Vừa qua, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về PCCC; quan tâm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng công trình đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tiễn.

Công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) được ban hành, cùng với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn khác, các công trình tuân thủ quy chuẩn thường ít xảy ra cháy lớn; khi không may xảy ra sự cố cháy lớn cũng có ít người thương vong.

Tuy vậy, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về phòng cháy chữa cháy còn chưa nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy; thậm chí tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai.

Các vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng hiện hữu như: Đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; khoảng cách PCCC của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở… hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), giai đoạn từ năm 2012-2022, số vụ cháy lớn chiếm khoảng 0,8-1,6% tổng số vụ cháy hàng năm; thiệt hại tài sản chiếm khoảng 69-86% tổng thiệt hại hàng năm. Thế nhưng, số người tử vong chỉ chiếm 0-1%. Kể từ năm 2001 đến nay, có khoảng 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư còn hạn chế.

Qua công tác nắm bắt thực tiễn, đối thoại với hàng nghìn cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm việc với Bộ Công an và ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy công tác phòng cháy chữa cháy vẫn còn nhiều thách thức.

Đơn cử như việc các công trình hiện hữu có vi phạm về phòng cháy chữa cháy được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau (trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực), mà không xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý. Trong khi, theo các công văn của một số địa phương thì vẫn có việc áp dụng quy định mới cho các công trình hiện hữu. Đáng chú ý, số lượng cơ sở vi pham thuộc diện không thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy chiếm tỷ trọng lớn (66,2%). Khi công trình không phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng ít được quan tâm, dẫn đến những vi phạm.

Theo số liệu của Bộ Công an, đối với nhóm vướng mắc về PCCC theo Quy chuẩn 06:2022/BXD đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế hoặc đã xây dựng xong nhưng chưa đạt yêu cầu nghiệm thu, đã được giải quyết triệt để sau khi chủ đầu tư được cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn đầy đủ, cụ thể.

Hiện còn hơn 38.000 công trình không đáp ứng yêu cầu PCCC ngay khi đưa vào sử dụng hoặc qua quá trình cải tạo, sửa chữa, thay đổi công năng nhưng không chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống cháy nổ. Các cơ quan chuyên môn đang rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và nghiên cứu biên soạn hướng dẫn thực hiện QCVN 06:2022/BXD.

Văn bản pháp luật về an toàn cháy cho nhà và công trình

Hiện nay, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình thường xuyên được sử dụng (không bao gồm các tiêu chuẩn thử nghiệm), gồm có 9 quy chuẩn, 25 tiêu chuẩn về nhà ở, công trình; 28 tiêu chuân về phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Xây dựng, Công thương, Khoa học và công nghệ.

Nhìn chung, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết nhất cơ bản đã có, một số lĩnh vực chuyên sâu khác có thể áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.

Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình. Về quá trình sửa đổi, năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 được sửa đổi lần 2, thay thế của nội dung tương đồng có tính kế thừa và nội dung sửa đổi chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp lựa chọn cho các đối tượng công trình. Các yêu cầu an toàn cháy của Quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm, theo quy mô tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng.

Phiên bản QCVN 06:2022/BXD đã có những cập nhật đáng lể, bổ sung, điều chỉnh các giải pháp, yêu cầu phù hợp với thực tiễn Việt Nam, giảm đáng kể chi phí đầu tư PCCC, trên nguyên tắc nền tảng là đảm bảo an toàn cho người. Ngoài ra, QCVN  06:2022/BXD cũng làm rõ hơn nhiều quy định quan trọng đối với an toàn của con người (bảo vệ chống khói, vật liệu…). Đây là nội dung có ý nghĩa thực tiễn, vì những quy định này thực chất đã có từ cách đây 13 năm (QCVN  06:2010/BXD) nhưng không được chú ý tới.

QCVN  06:2022/BXD vẫn kế thừa ổn định toàn bộ nguyên lý, cấu trúc, hệ thống các tiêu chí kỹ thuật, hệ thống phân loại kỹ thuật về cháy của các phiên bản quy chuẩn trước. Điều này cho phép phân chia các công trình rất chi tiết để áp dụng quy định an toàn cháy tương ứng với quy mô, công năng, tính nguy hiểm cháy nổ của công trình cụ thể. Các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, trên nguyên tắc công trình đã áp dụng phiên bản nào từ đầu thì tiếp tục áp dụng phiên bản đó.

Về phản ánh về các công trình hiện hữu, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để đưa ra giải pháp tăng cường cho những công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất có thể về an toàn cháy cho công trình dựa trên các giải pháp được thống nhất. Lực lượng cảnh sát phòng cháy sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể.

Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống. Vướng mắc xảy ra khi công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các mục đích công năng sử dụng khác không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước.

Cần thống nhất cách thực hiện

Ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 200/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy trong đó đã giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy…và báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 10/5/2023, Bộ Xây dựng đã có báo cáo số 103/BC-BXD báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ Xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan, tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, rà soát nội dung Quy chuẩn xây dựng để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân, từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi; đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình, biên soạn, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam và thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Về tổng thể, Bộ Xây dựng cho rằng cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ: Sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, tập trung một đầu mối để thực hiện pháp luật về PCCC; rà soát sửa đổi, biên soạn mới tiêu chuẩn, quy chuẩn; đào tạo và nâng cao năng lực; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục thẩm duyệt và nghiệm thu. Bộ Xây dựng đề xuất phương án thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công trình trước đó, để đảm bảo sự chuyển tiếp ổn định, thống nhất trên cả nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phương án: Bộ Công an chủ trì, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về phòng cháy chữa cháy theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; các tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các nhóm giải pháp tăng cường, bổ sung về phòng cháy chữa cháy cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội đối với các nhóm giải pháp với từng loại công trình. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn cơ sở có tồn tại về phòng cháy chữa cháy thực hiện giải pháp tăng cường, bổ sung căn cứ trên điều kiện, tình huống cụ thể của cơ sở; hướng dẫn các cơ sở và cơ quan quản lý theo thẩm quyền thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy chữa cháy để các cơ sở sớm được khai thác sử dụng trở lại.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đề xuất sửa đổi quy định về hiệu lực của các tiêu chuẩn theo hướng tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn cũ (không hủy bỏ tiêu chuẩn cũ); có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cập nhật, sửa đổi quy chuẩn theo hướng cho phép chỉ sửa đổi một số nội dung mà không phải ban hành phiên bản quy chuẩn mới, để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Xây dựng, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu xây dựng chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về an toàn cháy cho nhà và công trình trong các trường đại học, cao đẳng về xây dựng, kiến trúc.

Theo chỉ đạo của Chính phủ: Bộ Xây dựng cần ban hành hướng dẫn, tiêu chí xác định những công trình hiện hữu đang vi phạm quy định PCCC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; phân loại theo nhóm nguy cơ cháy nổ, quy mô, mức độ phức tạp…từ đó, có hướng dẫn giải pháp kỹ thuật khắc phục, bổ sung linh hoạt, phù hợp với từng nhóm công trình, bảo đảm hiệu quả phòng, chống cháy nổ.

Bộ Công an, Công an các địa phương thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc khắc phục của chủ đầu tư theo đúng quy định, “không hợp thức hóa sai phạm”. Việc tháo gỡ vướng mắc cho các công trình vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC cần linh hoạt, nhưng phải bảo đảm hiệu quả phòng, chống cháy nổ. Về lâu dài, các Bộ, ngành tăng cường phân cấp trong thẩm duyệt, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC; có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy nổ đối với máy móc, thiết bị, vật liệu công trình xây dựng…

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đòi hỏi nghiên cứu khảo nghiệm thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu; xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.

 

ThS. Nguyễn Trọng Nam

(Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 90/2023)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)