Triển khai đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch, thực hiện; đồng thời đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Đây là cơ sở cho cải cách thủ tục hành chính, đồng thời là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để quyết định triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đây, lĩnh vực quản lý nhà nước về hộ tịch được thực hiện bằng phương pháp thủ công, lưu trữ hồ sơ gốc bằng sổ giấy và bản giấy. Điều này khiến dữ liệu hộ tịch của từng cá nhân bị phân tán, không có kết nối, gây khó khăn cho cả công dân và cơ quan nhà nước khi có yêu cầu kiểm tra, xác minh các biến động, thay đổi liên quan đến nhân thân. Thậm chí còn tạo kẽ hở có thể lợi dụng.
Theo Bộ Tư pháp, triển khai thực hiện đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Nhiều địa phương đã thực hiện kết nối phần mềm này với hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh, thành phố để thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm bớt thời gian đi lại, thủ tục hành chính cho các bậc cha mẹ. Đặc biệt, việc kết nối dữ liệu hộ tịch với phần mềm cấp số định danh cá nhân thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc đã bảo đảm tất cả trẻ em khi đăng ký khai sinh đều được cấp số định danh cá nhân.
Năm 2020 đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019. Hiện có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và gần 1,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử.
Tại Hà Nội, các dịch vụ liên quan đến hộ tịch còn mở rộng hơn nữa, bên cạnh đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế, các quận, huyện, thị xã đều thực hiện thêm thủ tục đăng ký thường trú nếu gia đình trẻ có nhu cầu. Theo bà Nguyễn Thị Lợi ở tổ 28, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), trước đây, người dân phải đi lại 6 lần để giải quyết thủ tục hành chính (2 lần đến UBND, 2 lần lên công an, 2 lần lên cơ quan bảo hiểm y tế) với tổng số 28 ngày chờ đợi, thì nay, chỉ cần 2 lần đến UBND thị trấn và chỉ từ 7-10 ngày là nhận được cả 3 kết quả.
Với thủ tục thuận tiện, theo Sở Tư pháp Hà Nội, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên đã tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định. Từ đó, hạn chế được tình trạng “sinh không khai, tử không báo” như trước đây. Năm 2020, thành phố Hà Nội có số lượng hồ sơ đăng ký khai sinh tăng hơn nhiều so với năm 2019.
Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng Sơn..., lượng khách hàng sử dụng dịch vụ liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế ngày càng tăng.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hộ tịch, quốc tịch, tại tọa đàm đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thông tin, thời gian tới, Bộ Tư pháp ưu tiên tập trung nguồn lực khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, sớm đi vào vận hành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Song song đó, tiếp tục nghiên cứu giải pháp tổng thể kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; xây dựng quy chế khai thác, sử dụng. Đây không chỉ là cơ sở để cải cách thủ tục hành chính, mà còn là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để quyết định triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.