Ngày 19/11/2021, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp”. Tham dự Tọa đàm tại điểm cầu chính Cơ quan Bộ Xây dựng có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo Công đoàn Xây dựng Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Tại điểm cầu trực tuyến các địa phương có lãnh đạo Sở Xây dựng một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên…
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: đảm bảo an sinh xã hội, nơi ở cho công nhân, đặc biệt công nhân trong các khu công nghiệp là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Mặt khác, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về nhà ở dành cho công nhân và được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp” nhằm nhận diện những tồn tại, bất cập, sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân; tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp… để báo cáo, đề xuất Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng liên quan có những chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 370 Khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.
Các khu công nghiệp của nước ta hiện vẫn đang nghiêng về việc tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, toàn quốc có 2,7 triệu công nhân trong các khu công nghiệp; trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở.
Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các chính sách này chưa đủ lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, vì vậy, nhu cầu nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề nóng.
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phát biểu tại Tọa đàm
Nhận định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết: đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, tổng diện tích 2.700.000m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000m2.
Việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).
Trong khi đó, theo ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam, các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, đảm bảo các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân, không để người không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời.
Trước khi triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân, cần tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán và cho thuê, thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân…Có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp.
Cùng với đó, các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt như nhà trẻ, mẫu giáo, bãi gửi xe, cây ATM... Đặc biệt, cần có các cửa hàng tiện ích bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu với giá bán tương tương ở các khu nhà trọ, chợ dân sinh, các quán cơm bình dân. Có cách quản lý chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện đối với người thuê nhà, hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề về điện, nước, phòng chống cháy nổ.
Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu chính Cơ quan Bộ Xây dựng
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận về các nội dung: vai trò của khu công nghiệp trong quá trình đô thị hoá; tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng nhà ở cho công nhân để đảm bảo an toàn chống dịch trong tình hình mới; mô hình quản lý, vận hành để có “điểm chạm” giữa chủ đầu tư với doanh nghiệp sử dụng lao động; chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong thi công nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp và mô hình quản lý phù hợp sau cho thuê...
Kết thúc Tọa đàm, thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Anh Dũng cảm ơn các đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến phát triển nhà ở cho công nhân. Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất để báo cáo Bộ Xây dựng và cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đưa ra giải pháp hiệu quả thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.