Ngày 12/3/2024, tại cơ quan Bộ Xây dựng đã diễn ra hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2045. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành xây dựng; lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Báo cáo tóm tắt Nhiệm vụ, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết, phạm vi điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên, gồm 21 phường và 11 xã, diện tích tự nhiên khoảng 222,12km2. Ranh giới khu vực quy hoạch được xác định cụ thể: phía Bắc giáp huyện Đại Từ, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ; phía Nam giáp thành phố Sông Công; phía Đông giáp huyện Phú Bình; phía Tây giáp huyện Đại Từ.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế xã hội, định hướng phát triển đô thị và dân cư nông thôn theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc điều chỉnh quy hoạch thành phố Thái Nguyên còn nhằm phát triển thành phố với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, khai thác có hiệu quả những tiềm năng phát triển của thành phố; hoàn thiện và giữ vững tiêu chí đô thị loại I; xứng đáng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên.
Nhiệm vụ đề ra yêu cầu về nội dung quy hoạch với những trọng tâm: phân tích vai trò của thành phố Thái Nguyên đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước; đánh giá mối liên hệ của thành phố Thái Nguyên trong hành lang kinh tế Cao Bằng Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang; xác định các tiềm năng, động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của thành phố. Đặc biệt, cần rà soát các chương trình, dự án, đồ án có liên quan và tình hình thực hiện Quy hoạch chung thành phố năm 2016 đến nay; đánh giá tổng hợp hiện trạng, đề xuất các nội dung trọng tâm cần điều chỉnh trong quy hoạch mới; xác định các thế mạnh cần khai thác làm cơ sở hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực: tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Thái Nguyên tập trung rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng thực hiện Quy hoạch chung thành phố năm 2016, hiện trạng phát triển đô thị, hình thái kiến trúc đô thị, văn hóa đô thị, thiết kế đô thị, nêu rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch chung đã được phê duyệt, từ đó làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển đô thị Thái Nguyên trong thời gian tới; quan tâm phát triển du lịch, công tác bảo vệ rừng, đất rừng, chủ động ứng phó với thiên tai, lũ lụt; chú trọng công tác đảm bảo an ninh quốc phòng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2045, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy hoạch trước đó, đồng thời tạo động lực phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Tổng hợp các ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị đơn vị tư vấn, UBND Thành phố Thái Nguyên tiếp thu đầy đủ; chú trọng rà soát, đảm bảo sự chính xác về phạm vi, ranh giới, diện tích điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên; tiếp tục rà soát, cập nhật những cơ sở pháp lý liên quan đến định hướng phát triển Thành phố Thái Nguyên; sớm hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ để UBND tỉnh Thái Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.