Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Tọa đàm.
Cần làm rõ về thay đổi vùng cấp nước
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh cho biết: Dự thảo Luật Cấp, thoát nước lần này đã có nhiều cập nhật, được thiết kế với 8 Chương 68 Điều. Dự thảo Luật cụ thể hóa 3 chính sách gồm: Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; Bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.
Trên cơ sở đó, các đại biểu nêu thêm khó khăn, vướng mắc khi đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước; đóng góp trực tiếp ý kiến về từng vấn đề trong quá trình quản lý, vận hành và đầu tư xây dựng.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh phát biểu tại Tọa đàm.
Tọa đàm lần này là từ góc nhìn của doanh nghiệp, các đơn vị đầu ngành về tư vấn, đầu tư, quản lý vận hành các công trình thoát nước và cấp nước về dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Do đó, các bên sẽ cùng tham gia đóng góp ý kiến về công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, giai đoạn đầu tư xây dựng, giai đoạn khai thác vận hành, giá dịch vụ, nguồn lực thực hiện, quá trình quản lý, duy tu bảo hành hệ thống…
Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, ông Phạm Trọng Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam cho rằng, cần làm rõ về thay đổi vùng cấp nước, điều chỉnh quy hoạch do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị khi thực hiện cấp nước gặp vướng về quy hoạch, điều kiện phát triển, do đó cần phải được hiểu rõ về nội dung này; đề xuất sớm có các quy định rõ hơn về điều kiện khi thay đổi vùng cấp nước để đơn vị cấp nước nắm được, yên tâm đầu tư.
Đại diện các doanh nghiệp chỉ rõ khó khăn khi thực hiện quản lý và vận hành các công trình cấp, thoát nước.
Còn theo ông Trần Văn Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, hiện nay chưa có hướng dẫn các tiêu chí về đấu thầu cấp nước, cần sớm có hướng dẫn nội dung này. Đồng thời làm rõ về việc đầu tư xây dựng công trình nhà máy nước, sử dụng nguồn nước đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; trách nhiệm và quyền lợi của đơn vị cấp nước với các khu vực này, đảm bảo quản lý hiệu quả hệ thống nước sạch.
Về phía ông Trương Tiến Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, dự thảo Luật nên có quy định cụ thể về giếng nước ngầm, cần phải để nguồn dự phòng; có quy định cụ thể về hệ số vượt khi khai thác nước vào một số thời điểm cao điểm như mùa hè, nắng nóng hoặc các trường hợp đặc biệt để các đơn vị cấp nước chủ động được khai thác vượt. Việc khai thác vượt dựa trên cơ sở đảm bảo chất lượng, điều kiện tổng sản lượng cả năm và theo đúng quy định của pháp luật.
Xác định rõ hành lang quản lý an toàn hệ thống thoát nước
Với công tác thoát nước và xử lý nước thải, ông Phan Hoài Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, khi vận hành một số hạng mục công trình hoặc toàn bộ hệ thống thoát nước phải bảo đảm thêm về an ninh quốc phòng tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, xây dựng trung tâm giám sát và điều hành hệ thống thoát nước của các đô thị; tiến tới tích hợp công tác quản lý với các hạ tầng kỹ thuật khác.
Một số đại biểu cho rằng, cần có điều chỉnh về hệ thống thu gom; hướng dẫn mẫu hợp đồng PPP trong thoát nước, xử lý nước thải.
“Hiện nay, nhiều đơn vị gặp khó khi quản lý sau đầu tư do một số bên lấn chiếm, vi phạm về hệ thống thoát nước, do đó đề xuất xác định rõ hành lang quản lý an toàn hệ thống thoát nước để các bên hiểu và thực hiện tốt hơn. Ngoài ra, cần nêu rõ hơn việc đầu tư thêm cho công tác đầu tư các công trình xử lý bùn thải…”, ông Minh nói.
Cũng về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, cần có điều chỉnh về hệ thống thu gom; hướng dẫn mẫu hợp đồng PPP trong thoát nước, xử lý nước thải; cần có quy định cho phép xây dựng giá nước thải tùy thuộc vào đối tượng thoát nước; có quy định về chứng chỉ hành nghề phù hợp với nhân sự vận hành hệ thống thoát nước; cụ thể hóa quy định về đấu nối thoát nước thải; quy định tỷ lệ nhất định về chi phí quản lý vận hành thiết bị, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Về nội dung cấp nước nông thôn, theo ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần có những quy định bao trùm về cấp nước khu vực tập trung đông dân cư, khu vực dân cư nông thôn; quy hoạch vùng đảm bảo phù hợp, có tính kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời lưu ý công tác thu hút đầu tư cấp nước nông thôn; xem xét việc tách riêng cấp, thoát nước, xử lý nước thải đô thị và cấp, thoát nước, xử lý nước thải nông thôn...
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, việc có quy hoạch đủ điều kiện để lập dự án cấp, thoát nước là rất quan trọng. Do đó, cần nghiên cứu, lấy công cụ quy hoạch làm cơ sở để thực hiện cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn; xem lại vùng xử lý nước thải, tính toán giá, chế tài cho hộ gia đình về đấu nối vào hệ thống, xử lý bùn thải…
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, đồng thời cho biết Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, cập nhật các khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.