Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 2317/BXD-QHKT (02/10) xin được trả lời như sau:
Trong thời gian qua, việc chậm triển khai dự án đầu tư xây dựng để thực hiện quy hoạch được duyệt là một thực tế và đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân trong vùng quy hoạch. Mặc dù, tại các văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị và xây dựng cũng đã các quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong khu vực quy hoạch chưa thực hiện. Tuy nhiên, chưa đáp ứng được mong muốn và yêu cầu của người dân đúng như phản ánh của cử tri.
Thực hiện Nghị quyết số 59/2018/Qh14 ngày 16/6/2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD, ngày 15/3/2019 về vấn đề này trong đó đã các định rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 82/20019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực xây dựng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần thực hiện:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/20019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển theo đô thị theo quy hoạch được duyệt;
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra năng lực chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý; tổ chức tư vấn đối với chất lượng quy hoạch.
- Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.- Tăng cưởng hướng dẫn, đốn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
2. Chính quyền các địa phương cần thực hiện:
- Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị.
- Xây dựng chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị.
- Cụ thể hóa các quy định văn bản bản pháp luật phù hợp với điều kiện của địa phương; phổ biến và tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.
- Tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch.
3. Về ý kiến của cử tri tỉnh Lào Cai liên quan đến việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất: Việc này liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ, ngành. Quan điểm của Bộ Xây dựng là phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương án giải quyết hợp lý để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2317/BXD-QHKT.