Trả lời kiến nghị của kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 20/09/2024 16:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện gửi đến với các nội dung kiến nghị:

Câu số 05: “Về các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Tại khoản 12 Điều 16 quy định “xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm…” không quy định rõ các bước xử lý cụ thể xác định rõ hành vi nêu trên, để bổ sung trong hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cử tri đề xuất được lập thêm 01 biên bản làm việc hoặc biên bản xác minh để bổ sung vào hồ sơ cho rõ ràng”.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định“a) Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt;

đ) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm và từng lần vi phạm.

 Như vậy, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 đã quy định rõ các trường hợp cụ thể khi thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính như kiến nghị của cử tri nêu trên.

Câu số 06: “Về các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Mức xử phạt quy định tại điểm c khoản 6 Điều 16 đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với các trường hợp cấp phép xây dựng mới, công trình phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (mức phạt 100 triệu đến 120 triệu đồng) và điểm c khoản 7 Điều 16, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng (mức phạt 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng), vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng được quy định tại Điều 75 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ( Chánh Thanh tra phạt tiền đến 100 triệu đồng), do đó làm cho việc xử lý không kịp thời, phải lập thủ tục chuyển cho UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh xử lý theo thẩm quyền, gây khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Cử tri đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt cho Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ngang thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện (phạt tiền đến 200.000.000đồng).

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 về thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở (mức phạt tiền đối với cá nhân):“Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở được quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng cũng như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP hiện đang quy định là 100.000.000 đồng, đây là mức phạt tối đa, đúng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, dự thảo Nghị định không thể quy định tăng mức phạt tiền đến 200.000.000 đồng như kiến nghị của cử tri.

Câu số 7: “Về các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Theo Điều 69 vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với ban quản trị nhà chung cư: Mức phạt đối với 01 hành vi vi phạm của ban quản trị từ 60 triệu đến 120 triệu là quá cao, vì ban quản trị là các cá nhân sống trong chung cư được các cư dân trong chung cư tín nhiệm bầu ra và được cơ quan có thẩm quyền công nhận, nhưng khi thực hiện quản lý sử dụng kinh phí không đúng quy định (quyền lợi chung của tập thể) thì bị xử lý hành chính, phạt tiền từ tài khoản hoạt động của ban quản trị (kinh phí hoạt động do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp), làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn kinh phí hoạt động của chung cư và các cư dân”. Cử tri đề xuất giảm mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm của ban quản trị chung cư hoặc có hướng xử lý phù hợp hơn”.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định. Việc này dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, nhiều khu chung cư người dân phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư, căng băng rôn tại các nhà chung cư, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền.

Để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của ban quản trị nhà chung cư, tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đã bổ sung quy định xử phạt hành vi liên quan đến trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, đảm bảo đầy đủ hành vi theo quy định của pháp luật ngành Xây dựng.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP. Đối với kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng xin nghiên cứu để quy định hành vi vi phạm tại dự thảo nghị định có mức tiền phạt phù hợp đối với ban quản trị nhà chung cư để vẫn đảm bảo tính răn đe, đồng thời có tính khả thi cao trên thực tiễn thi hành.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5414/BXD-TTr.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)