Trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông

Thứ năm, 10/07/2025 09:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng vừa có Văn bản số 6484/BXD-KHTC ngày 8/7/2025 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chuyển đến theo Công văn số 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025, nội dung kiến nghị như sau:

“Việc xử phạt giao thông theo Nghị định 168-NĐ/CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã được người dân đồng tình và góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Bộ nghiên cứu và đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng giao thông, vì hiện nay, nhiều tuyến đường trên cả nước đang xuống cấp nghiêm trọng và các biển báo giao thông chưa được đảm bảo, gây khó khăn trong việc chấp hành pháp luật”.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Trước tiên, Bộ Xây dựng trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý đối với hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông. Thực tế một số tuyến đường đã có tình trạng xuống cấp như cử tri phản ánh, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Thực hiện quy định của Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định số 165/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổ chức bàn giao các tuyến quốc lộ (trừ Quốc lộ 1, đường Hồ Chính Minh) được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và đầu tư. Theo đó, hiện nay ngoài hệ thống đường địa phương đã được xác định trong quy hoạch các tỉnh/thành phố, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ theo quy hoạch trên địa bàn các tỉnh/thành phố thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối với các quốc lộ, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giao thông vận tải trước đây (nay là Bộ Xây dựng) đã ưu tiên cân đối nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến có nhu cầu cấp bách; phối hợp với các địa phương để xây dựng kế hoạch bảo trì; thường xuyên chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, các chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời sửa chữa các hư hỏng trên tuyến để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan: (1) thực hiện việc rà soát, xử lý các bất cập của hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ mặt đường... để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; (2) phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông, Sở Xây dựng các địa phương để kịp thời phát hiện các điểm gây mất an toàn giao thông và chủ động điều chỉnh ngay các công trình an toàn giao thông; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tăng cường phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Về đường bộ cao tốc, hiện nay cả nước đã có 2.268km. Bộ Xây dựng và các địa phương đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn tuyến cao tốc đang được đầu tư để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, bộ ngành có liên quan tập trung đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để sớm triển khai các tuyến cao tốc theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra: “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc”.

Như vậy, đến nay các công trình hạ tầng giao thông đường bộ đang ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông cũng ngày càng được củng cố theo hướng phân cấp cho địa phương quản lý và đầu tư. Trường hợp có tình trạng xuống cấp tại các tuyến đường, đề nghị cử tri phản ánh cụ thể về tuyến đường để Chính phủ giao các địa phương xử lý theo thẩm quyền.

Trên đây là trả lời của Bộ Xây dựng đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để thông tin tới cử tri.

Nguồn: Bộ Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)