Vừa qua. tại thành phố Hà Giang đã diễn ra hội thảo Khoa học “Quản lý, phát triển kiến trúc và cảnh quan nông thôn cho các địa phương miền núi phía Bắc”. Tham dự buổi hội thảo có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc Gia; đại diện các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc, một số doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh Hà Giang. Tại hội thảo lần này nội dung được đề cập nhiều nhất là thực trạng kiến trúc cảnh quan nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay, đồng thời cũng giới thiệu nột số kiến trúc bản địa phổ biến hiện nay.
Phát biểu tại khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh khẳng định: 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với 30 dân tộc sinh sống là khu vực có kho tàng kiến trúc truyền thống, cùng bề dày văn hóa thuộc nhóm đa dạng bậc nhất cả nước hiện nay. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nên diện mạo và sự kết nối hạ tầng về giao thông của các tỉnh trong khu vực đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống của nhân dân được cải thiện từng năm. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cũng đánh giá, trong thực tiễn cũng cho thấy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực hiện nay còn thiếu và chưa đồng bộ. Cảnh quan môi trường truyền thống bị xâm hại, chưa có giải pháp gìn giữ và phát triển được mô hình điển hình về kiến trúc. Do đó, việc Viện kiến trúc Quốc gia phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo Khoa học “Quản lý, phát triển kiến trúc và cảnh quan nông thôn cho các địa phương miền núi phía Bắc” là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh mong muốn các nhà khoa học, các tổ chức chuyên môn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong khu vực hoạch định chiến lược và hành động cụ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá chất lượng quy hoạch ở khu vực nông thôn hiện nay còn thấp do thiếu đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, các quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội chưa được xây dựng; kiến trúc cảnh quan bản làng vùng núi còn ít được coi trọng; công tác quản lý nhà nước về kiến trúc, quy hoạch, có nơi, có thời điểm còn bị buông lỏng. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều chuyên gia đề nghị, các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch từ tỉnh xuống huyện, đến các bản làng nhằm tạo định hướng tốt cho phát triển bền vững. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và kiến trúc gắn với đó là đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cấp cán bộ quản lý. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản, đầu tư cho công tác nghiên cứu kiến trúc bản địa gắn với truyền thông, phổ biến các quy định về quy hoạch và kiến trúc hiện nay. Từng bước xây dựng chiến lược cho việc phát triển thương hiệu kiến trúc địa phương song song với phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa và nâng cao mức sống người dân.