Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đối với Thủ đô Hà Nội, đột phá về hạ tầng phải là ưu tiên số 1, các đột phá tiếp theo sẽ bổ sung cho đột phá này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng), song quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong quá trình triển khai lập quy hoạch, TP. Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thông tin, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là: Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Cùng với đó, Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỉ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12m2/người; tỉ lệ đô thị hóa đạt 65-70%...
Ngoài ra, Quy hoạch cũng xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, 4 đột phá phát triển của Thủ đô bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong các đột phá cho Hà Nội, đột phá về hạ tầng phải là ưu tiên số 1, các đột phá tiếp theo sẽ bổ sung cho đột phá này. Làm sao phải có một chương trình về hạ tầng giao thông đồng bộ cho Hà Nội.
Cũng liên quan đến hạ tầng, đặc biệt là về giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đề xuất chú trọng đầu tư phát triển giao thông ngầm.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để TP. Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.