Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khởi công bến số 4 và bến số 5 tại cảng Chân Mây - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Khởi công 2 bến mới tại cảng Chân Mây
Thủ tướng và đoàn công tác đã dự lễ khởi công bến số 4 và bến số 5 tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc).
Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng biển loại I.
Trong đó, khu bến Chân Mây phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và khu vực lân cận. Cụm cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất với hành lang kinh tế Đông-Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar, kết nối với các nước châu Á và thế giới..
Hiện khu bến Chân Mây đang khai thác 3 bến, lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2023 đạt 4,5 triệu tấn và 68.700 lượt hành khách.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo cảng Chân Mây về dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo quy hoạch chi tiết đang được trình phê duyệt, khu bến Chân Mây đến năm 2030 gồm từ 8 đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431 m đến 3.231 m, năng lực thông qua từ 16,1 triệu tấn đến 23 triệu tấn và từ 324.100 lượt khách đến 345.000 lượt khách.
Bến số 4 và bến số 5 tại cảng Chân Mây là dự án đầu tư ngoài ngân sách có tổng vốn đầu tư 1.678,7 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Hàng hải Vsico làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container, chiều dài mỗi cầu cảng 270 m; đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.
Thủ tướng tặng quà cho cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc tại dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự kiến bến số số hoạt động vào quý II/2025 và bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026; sản lượng thông qua 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm; với các tàu container, sản lượng dự kiến 80.000 TEUS mỗi năm.
Các bến số 4, 5 đi vào hoạt động sẽ góp phần rút ngắn thời gian xếp dỡ tại cảng, giải phóng tàu nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách vận chuyển, tăng sản lượng hàng hoá thông qua tại khu vực miền Trung, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực, tăng cường giao thương hàng hóa, nâng cao vị thế cho Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn khu vực dự án, tăng nộp ngân sách cho Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo quy hoạch chi tiết đang được trình phê duyệt, khu bến Chân Mây đến năm 2030 gồm từ 8 đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431 m đến 3.231 m, năng lực thông qua từ 16,1 triệu tấn đến 23 triệu tấn và từ 324.100 lượt khách đến 345.000 lượt khách - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khánh thành nhà máy xử lý rác thải lớn nhất Thừa Thiên Huế
Chiều cùng ngày, Thủ tướng dự lễ khánh thành Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy.
Đây là dự án đầu tư ngoài ngân sách có tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất trên 11 ha, do Công ty China Everbright International Limited (trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc)) làm chủ đầu tư.
Thủ tướng và các đại biểu dự lễ khánh thành Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phú Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhà máy có công suất xử lý rác thải sinh hoạt khoảng 600 tấn/ngày đêm, nguồn nhiệt thu được sử dụng để phát điện với công suất 12 MW; mỗi năm sẽ xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt và có thể cung cấp khoảng 93 triệu kWh điện xanh.
Dự án khởi công cuối năm 2021, hoàn thành xây dựng tháng 8/2023, vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2023.
Đây là nhà máy xử lý rác sinh hoạt lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm hiện nay, giúp giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn của tỉnh xuống dưới 20%, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.
Thủ tướng nghe báo cáo về quy hoạch tổng thể nhà máy điện rác - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng xem sản phẩm nước sạch RO sau khi qua các quy trình lọc từ nước rác thải - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tặng quà cho cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc tại dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cây cầu mới mang tính điểm nhấn qua sông Hương
Tiếp đó, Thủ tướng đã đi khảo sát dự án thi công đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương, do tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2.281 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương thuộc tuyến đường vành đai 3 - là trục giao thông chính, xuyên tâm vào thành phố, kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà-Hương Thủy với thành phố Huế.
Thủ tướng khảo sát dự án thi công đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là cây cầu thứ 5 ở Huế bắc qua sông Hương, nằm ở khoảng giữa Tử Cấm Thành và chùa Thiên Mụ, điểm đầu của cầu là đường Nguyễn Hoàng (phường Kim Long), điểm cuối đường Bùi Thị Xuân (phường Phường Đúc).
Thiết kế của cầu được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng "Hạc chầu Thiên Mụ", mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất cố đô linh thiêng.
Theo thiết kế, cầu có dạng vòm thép dài 380 m gồm 5 nhịp, rộng 43 m, 6 làn xe, đường dẫn hai đầu dài 210 m, đặc biệt có làn đi bộ rộng 3 m. Kết cấu cầu bằng bêtông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30 m, cao 6 m.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phát huy tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng thắng mưa", "làm xuyên lễ Tết, xuyên ngày nghỉ", thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau khi hoàn thiện, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm thành phố Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây thành phố Huế; phát triển kinh tế-xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh.
Được người dân Thừa Thiên Huế chờ đợi đã lâu, dự án khởi công cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2025. Đến nay, dự án đã hoàn thành các mố trụ đang tiến hành lắp vòm cầu, dự kiến đến tháng 8/2024 lắp vòm cầu xong, đến tháng 12/2024 có thể thông xe kỹ thuật nối hai bên bờ Bắc Nam và có thể vượt tiến độ.
Thủ tướng trò chuyện, động viên người lao động đang làm việc tại dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phát huy tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng thắng mưa", "làm xuyên lễ Tết, xuyên ngày nghỉ", thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát thi công, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng đề nghị khai thác hiệu quả giá trị của cây cầu mới, của dòng sông Hương và quỹ đất 2 bên bờ sông, tạo không gian phát triển mới, phát triển kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm.
Đây là cây cầu thứ 5 ở Huế bắc qua sông Hương. Thiết kế của cầu được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng "Hạc chầu Thiên Mụ", mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất cố đô linh thiêng - Ảnh: VGP
Phát triển Bệnh viện Trung ương Huế ngang tầm quốc tế
Cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, có tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, với khoảng 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bệnh viện Trung ương Huế đã được Chính phủ và Bộ Y tế chọn là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp, trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.
Thủ tướng trò chuyện, thăm hỏi cán bộ, y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và Bệnh viện, Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta xác định một dân tộc muốn khoẻ mạnh thì từng gia đình, từng người dân phải khoẻ; phòng bệnh hơn chữa bệnh; đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn quan tâm đầu tư, dành kinh phí cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tính mạng người dân, làm sao để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất cơ bản về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân so với điều kiện một nước đang phát triển, đặc biệt là trong phòng chống đại dịch COVID-19.
Thủ tướng trò chuyện, động viên người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao bề dày truyền thống tốt đẹp, những thành tựu mà Bệnh viện đạt được thời gian qua, đóng góp vào thành tựu chung của ngành y tế, nhất là trong phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt vừa qua, Bệnh viện đã thực hiện 8 ca ghép tạng trong 48 giờ (ngày 2 và 3/4) - một kỷ lục của đơn vị đến thời điểm này.
Thủ tướng đề nghị bệnh viện nỗ lực sớm hoàn thành công trình Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2 vừa được khởi công.
Thăm cơ sở vật chất của Bệnh viện Trung ương Huế, Thủ tướng mong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò "thầy thuốc như mẹ hiền", truyền thống tốt đẹp, các lĩnh vực thế mạnh như ghép tạng, với tinh thần tự lực, tự cường, tâm huyết, trách nhiệm cao nhất... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đầu tư, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với Bệnh viện; mong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò "thầy thuốc như mẹ hiền", truyền thống tốt đẹp, các lĩnh vực thế mạnh như ghép tạng, với tinh thần tự lực, tự cường, tâm huyết, trách nhiệm cao nhất, đặt mình vào địa vị của bệnh nhân và gia đình người bệnh để hành động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, làm tốt hơn nữa về chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân.
Làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và Bệnh viện, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và Bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng những kinh nghiệm tốt của Bệnh viện về tự chủ, quản trị, mua sắm trang thiết bị y tế; phát huy cơ sở vật chất và nguồn lực con người hiệu quả nhất... Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế và Bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng những kinh nghiệm tốt của Bệnh viện về tự chủ, quản trị, mua sắm trang thiết bị y tế…; phát huy cơ sở vật chất và nguồn lực con người hiệu quả nhất; quan tâm hơn nữa vấn đề vệ sinh, môi trường, quản lý các dịch vụ đi kèm phục vụ bệnh nhân và người bệnh. Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế quan tâm công tác khen thưởng, động viên kịp thời với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.