Quy chế về quản lý kiến trúc vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc tại Hà Nội.
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương về Quy chế quản lý kiến trúc - Ảnh minh họa: VGP/Gia Huy
Chiều 2/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương về Quy chế quản lý kiến trúc của Thành phố.
Về sự cần thiết lập Quy chế, UBND TP. Hà Nội cho biết, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2011), UBND Thành phố đã tổ chức triển khai và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung của Hà Nội.
Đến nay, sau hơn 9 năm triển khai Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung Hà Nội theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi Thủ đô Hà Nội đang tiến hành triển khai lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sau khi Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) có một số quy định liên quan về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
Theo đó, đối với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (trước ngày Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành) chỉ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.
Để giải quyết những bất cập trên, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kịp thời với xu hướng phát triển đô thị hiện nay, việc tổ chức lập "Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội" (sau đây gọi là Quy chế) để quản lý về kiến trúc, cảnh quan theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn.
Quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô
Quy chế quản lý kiến trúc vừa được thông qua áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc tại thành phố Hà Nội. Phạm vi lập quy chế trong địa giới hành chính của thành phố Hà Nội với tổng diện tích khoảng 3.359,84km2.
Quy chế tuân thủ quy định Luật Kiến trúc năm 2019; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với định hướng Điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn xây dựng, Quy hoạch được phê duyệt.
Mục tiêu quản lý kiến trúc, cảnh quan và thực hiện quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội; cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội và của từng khu vực quản lý trên địa bàn thành phố...
Nguyên tắc quản lý kiến trúc trong Quy chế vừa được thông qua là: Tuân thủ Luật Kiến trúc và các quy định khác của pháp luật có liên quan, phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và điều kiện thực tế tại Thủ đô; phù hợp định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của nhân dân, xây dựng các khu vực phát triển, văn minh, giữ gìn bản sắc, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn; góp phần xây dựng nền kiến trúc tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
Quản lý kiến trúc cần phải tính đến các đặc điểm, đặc thù của từng khu vực, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống. Việc xây dựng công trình phải được quản lý chặt chẽ, đồng bộ về kiến trúc, không gian cảnh quan; bảo đảm chức năng hoạt động hiệu quả, mỹ quan, an toàn, hài hòa với tổng thể xung quanh.
Đối với các khu đất có điều kiện tổ chức công trình cao tầng điểm nhấn, cần được quy định cụ thể trong các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù hoặc thiết kế đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Một số nội dung chính của quy chế: Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; quy định quản lý đối với các khu vực có yêu cầu đặc thù; định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan; yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; quy định về quản lý kiến trúc các loại hình công trình; quy định về quản lý kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật; quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.