(Ảnh minh họa: TTXVN phát)
Ngày 13/8, tại phiên họp thường kỳ Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tháng 8 (lần 4), cho ý kiến về triển khai xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị các sở, ngành liên quan và hai huyện Thanh Miện và Bình Giang khẩn trương tham gia ý kiến với đơn vị tư vấn.
Trong 2 tuần tính từ ngày 13/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cần hoàn thiện đề án từ các ý kiến góp ý, tham mưu tờ trình Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Thủ tướng chính phủ Đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt để xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy và trình Thủ tướng.
Ông Lưu Văn Bản đề nghị Sở Công Thương chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn làm rõ số lượng, diện tích cụm công nghiệp, hạ tầng điện, các trung tâm thương mại, chợ và khu vực logistic cung cấp cho đơn vị tư vấn.
Sở Xây dựng nghiên cứu quy mô, diện tích nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, các điều kiện phòng cháy chữa cháy; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xác định quy mô và nội hàm trung tâm đổi mới sáng tạo; phối hợp với các ngành y tế, văn hóa để xác định quy mô hạ tầng y tế, thiết chế văn hóa thể thao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tham mưu, xác định những nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược để bổ sung vào đề án…
Theo dự thảo, tính sơ bộ, nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho toàn khu kinh tế chuyên biệt khoảng 78 nghìn tỷ đồng trong cả giai đoạn 2021-2035.
Nguồn vốn đầu tư tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước kết hợp với khai thác tối đa các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu, các dự án quốc gia.
Tổng diện tích khu kinh tế chuyên biệt là 5.300ha; trong đó, diện tích huyện Bình Giang khoảng 1.933ha trên địa bàn 8 xã Tân Hồng Bình Minh, Thái Học, Nhân Quyền, Cổ Bì, Thái Dương, Thái Hòa, Bình Xuyên; khoảng 3.367ha thuộc địa bàn 10 xã của huyện Thanh Miện là Thanh Tùng, Phạm Kha, Đoàn Tùng, Hồng Quang, Ngô Quyền, Tân Trào, Đoàn Kết, Lê Hồng, Lam Sơn, Thị trấn Thanh Miện.
Đề án xác định chức năng của khu kinh tế chuyên biệt là vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng mới của Hải Dương nói riêng, đồng bằng sông Hồng nói chung, nơi đóng góp tỷ trọng lớn về giá trị sản phẩm cho kinh tế tỉnh, nơi triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới. Đây cũng là khu vực trọng điểm ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong tỉnh và vùng.
Về đô thị, khu kinh tế chuyên biệt là một trung tâm phát triển đô thị dịch vụ hiện đại, phát triển theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ, tiện nghi, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững là nơi đáng sống của tỉnh và vùng.
Khu kinh tế chuyên biệt là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng với các trung tâm trên Vành đai kinh tế và các tuyến vận tải quốc tế qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt.
Về phương hướng, dự kiến hình thành 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 3.900ha; trong đó, 6 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch tỉnh giai đoạn đến 2030, 7 khu công nghiệp tiềm năng dự kiến hình thành sau 2030 hoặc khi có đủ điều kiện thành lập với khoảng 1.755ha; phát triển 4 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 199,5ha; trong đó, có 2 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch 2 cụm công nghiệp quy hoạch mới.
Cùng với đó, phát triển khu thương mại dịch vụ, logistics với tổng diện tích khoảng 75ha gắn với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Khu trung tâm đổi mới sáng tạo có diện tích khoảng 60ha, là hạt nhân cho phát triển hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao của tỉnh, hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng.
Khu phát triển hạ tầng công cộng với diện tích 60ha tập trung phát triển các công trình giáo dục, công viên tập trung, thể thao văn hóa. Diện tích khu đô thị, dân cư khoảng 530ha quy hoạch gắn với các khu công nghiệp, định hướng phát triển các khu dân cư, đô thị theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, đồng bộ.
Quy hoạch cũng duy trì một phần diện tích đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Về lộ trình phát triển khu kinh tế chuyên biệt, đề xuất thời điểm dự kiến thành lập vào Quý 4 năm 2024. Theo đó, giai đoạn 2024-2025, hoàn thành Quy hoạch chung và một số quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 đối với các phân khu quan trọng, tạo điều kiện để phát triển nhanh khu kinh tế trong giai đoạn sau; xây dựng và khởi công xây dựng một số cơ sở hạ tầng lớn; xúc tiến mạnh việc thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2026-2030, bước đầu vận hành hiệu quả các công trình, dự án đã xây dựng; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ trên toàn khu kinh tế; tiếp tục thu hút đầu tư và chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích khu kinh tế trong giai đoạn sau 2030; nghiên cứu triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới trong khu kinh tế.
Giai đoạn 2031-2050, hoàn thiện hệ thống kết cấu kinh tế, xã hội của khu kinh tế; đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, hình thành diện mạo của đô thị xanh, thông minh, với các dịch vụ chất lượng cao, tiếp tục thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực theo định hướng trong khu kinh tế.
Trước đó, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 đã có định hướng quy hoạch, phát triển Khu Kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương tại huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện, quy mô khoảng 5.300ha.
Ngày 7/8, Sở Xây dựng Hải Dương có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giao, tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương, bố trí kinh phí khoảng 9,34 tỷ đồng cho việc khảo sát, lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế chuyên biệt và một số chi phí khác liên quan./.