Chuyển đổi xanh giúp bất động sản thu hút và giữ chân khách hàng

Thứ sáu, 22/11/2024 15:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 500 công trình xanh được ghi nhận.

Công ty TNHH Jakob Sài Gòn hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore là đơn vị chuyển đổi xanh tiêu biểu tại Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng -TTXVN

Con số này đã vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025, thể hiện nỗ lực của toàn ngành bất động sản. Dù khởi động muộn hơn các nước trong khu vực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận khi vài năm gần đây, số lượng dự án xanh tại Việt Nam đã tăng đáng kể.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà thông tin, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Các chuyên gia nhận xét, ngành bất động sản Việt Nam đang hòa cùng làn sóng chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mối quan tâm của cộng đồng về môi trường, sức khỏe tăng cao, các bất động sản xanh sẽ có ưu thế cạnh tranh trước nhóm dự án truyền thống.

Theo đó, việc quản lý vận hành dự án xanh cần tập trung một cách toàn diện vào nhiều yếu tố từ khâu thiết kế, xây dựng hướng tới hiệu quả sử dụng tối đa nguồn năng lượng điện, nước, chất lượng không khí, các phương pháp quản lý tối ưu.

Dưới góc độ chuyên gia bất động sản, ông Trần Ngọc Duy - Phó Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội cho rằng, để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.

Việc nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh sẽ giúp các chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh hơn và có thể chào bán, cho thuê với mức chi phí tốt hơn.

Bởi các dự án xanh không chỉ phục vụ mục tiêu chung của toàn cầu và Chính phủ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mà còn phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Sau đại dịch COVID-19, người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và làm việc, cùng các yếu tố bền vững.

Chưa kể, mặc dù chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho các công trình xanh có thể cao hơn so với loại dự án truyền thống, việc vận hành bền vững mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn và tiết kiệm hơn, đặc biệt trong việc giảm chi phí năng lượng tiêu thụ - ông Duy phân tích.

Theo các chuyên gia của Savills, có nhiều yếu tố quan trọng trong vận hành dự án xanh. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt quá trình dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân cần phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện giải pháp xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn xanh.

Phía chủ đầu tư cùng đơn vị quản lý cần có phương án vận hành tiết kiệm năng lượng, theo sát tiêu chí vận hành xanh dựa trên tiểu chuẩn của những chứng nhận uy tín. Hiện nay có bốn loại chứng nhận công trình xanh phổ biến, gồm LEED, EDGE, WELL Building Standard và LOTUS.

Những chứng chỉ này quy định các giải pháp vận hành thực tiễn những dự án xanh, tập trung vào hiệu quả năng lượng, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho người sử dụng. Cùng đó là tối ưu hóa điện năng và lượng nước tiêu thụ sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành, đảm bảo tính bền vững cho dự án.

Dựa trên kinh nghiệm quản lý và vận hành nhiều dự án xanh, Savills dẫn chứng, chỉ cần điều chỉnh tăng hoặc giảm 1 độ C tại khu vực chung có thể giúp tiết kiệm đến 10% năng lượng dùng cho việc làm mát hoặc sưởi ấm tòa nhà. Hay như điều chỉnh lưu lượng nước tại các vòi xuống khoảng 3,5 lít/phút và tối ưu hóa mức xả bồn cầu ở 4,5 lít/lần, sử dụng hệ thống tái sử dụng nguồn nước thiên nhiên như nước mưa...

Theo dữ liệu từ Savills, các giải pháp tối ưu nguồn nước đã giúp dự án văn phòng tiết kiệm 17% lượng nước tiêu thụ trên mỗi m2 diện tích sử dụng. Đối với các dự án nhà ở, con số này đạt mức giảm 3%, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong quản lý bất động sản.

Cùng với các yếu tố điện và nước, chất lượng không khí bên trong tòa nhà được đặc biệt chú trọng. Dự án trang bị hệ thống quạt thông gió cung cấp không khí tươi cùng với bộ lọc không khí được sử dụng để giảm thiểu bụi thô...

Hiện nay, chất lượng không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, đang liên tục rơi vào tình trạng đáng báo động. Chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém và nồng độ bụi mịn cao hơn gần gấp hai lần mức tiêu chuẩn. Việc các dự án được trang bị hệ thống lọc không khí tốt đáp ứng được tiêu chuẩn xanh và góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân.

Bên cạnh những yếu tố cơ bản trên, khâu quản lý vận hành một dự án xanh đặc biệt chú trọng đến nhiều khía cạnh khác như tối ưu hóa vận hành hệ thống kỹ thuật thông qua đánh giá và điều chỉnh thông số hoạt động, xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hợp lý, áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng, phần mềm, cải thiện cách nhiệt cách âm… Vận hành dự án xanh là quá trình bền bỉ, liên tục và các chủ đầu tư cần có kế hoạch, phương pháp hợp lý theo tiêu chuẩn, chứng chỉ uy tín.

Trên thực tế, khách thuê hoặc cư dân là nhóm chủ yếu sử dụng dịch vụ tiện ích và tiêu thụ năng lượng chính tại các tòa nhà. Do đó, các chủ đầu tư cần khuyến khích nhóm khách hàng này tham gia vào chiến lược xanh dài hạn, hướng tới ESG (môi trường - xã hội và quản trị) như: hạn chế sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn... Từ đó, khách thuê và cư dân sẽ dần hiểu được trách nhiệm của bản thân và sẵn sàng phối hợp với tòa nhà để chung tay hành động vì môi trường bền vững.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)