Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kế hoạch, thống kê trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về phân công, phân cấp và ủy quyền quản lý kế hoạch, đầu tư, tài chính, tài sản đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch, đầu tư, thống kê và quản lý tài chính, tài sản ở các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
3. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch, đầu tư, thống kê trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; về công tác tài chính kế toán, quản lý tài sản của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, thống kê trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; quản lý các hoạt động đầu tư, công tác tài chính kế toán, tài sản đối với các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
5. Về công tác kế hoạch:
a) Xây dựng chương trình hành động của Bộ thực hiện định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
b) Chủ trì tổng hợp, trình Bộ trưởng định hướng, chiến lược tổng thể phát triển ngành, kế hoạch 05 năm và hằng năm của ngành Xây dựng, kế hoạch phát triển các đơn vị thuộc Bộ (trừ các doanh nghiệp thuộc Bộ);
c) Tổng hợp, trình Bộ trưởng các văn bản góp ý về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng;
d) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển phù hợp với chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng lãnh thổ và ngành Xây dựng đã được phê duyệt;
đ) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch hằng tháng, quý, năm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng.
6. Về công tác đầu tư:
a) Theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng theo thẩm quyền quản lý của Bộ;
b) Tổng hợp danh mục, tình hình thực hiện các dự án đầu tư trong nước, các dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; đầu mối tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư của Bộ;
c) Chủ trì lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; phương án phân bổ, triển khai và kiểm soát tình hình thực hiện nguồn vốn đầu tư do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quản lý theo quy định của pháp luật và phân công, ủy quyền của Bộ trưởng;
d) Chủ trì thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trình Bộ trưởng phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng theo quy định của pháp luật;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện thẩm định dự án, trình Bộ trưởng phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng theo quy định của pháp luật;
e) Đầu mối giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ đầu tư đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phân công;
g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác do Bộ làm chủ đầu tư hoặc cấp quyết định đầu tư; tổng hợp và báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện công tác đầu tư của các đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.
7. Về quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài:
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trình Bộ trưởng ký gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định;
b) Thẩm định, trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền chủ trương đầu tư chương trình, dự án; quyết định phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ trưởng xem xét, quyết định giao chủ dự án theo quy định hiện hành;
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt văn kiện, điều chỉnh văn kiện theo thẩm quyền;
đ) Chủ trì tổng hợp, kế hoạch tài chính dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi 03 năm và hàng năm gửi Bộ Tài chính theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước (Đối với các dự án chi đầu tư phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công);
e) Trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch tài chính hàng năm; kế hoạch tổng thể; dự toán vốn đối ứng hằng năm; kế hoạch lựa chọn nhà thầu chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
g) Chủ trì, tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, tình hình giải ngân chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
h) Chủ trì, thẩm định giao dự toán, quyết toán hằng năm, quyết toán dự án chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
8. Về quản lý các nhiệm vụ, đề tài, dự án sử dụng vốn sự nghiệp (chi cho các hoạt động kinh tế) và các nguồn vốn ngân sách nhà nước khác do Bộ quản lý:
a) Tổng hợp, trình Bộ trưởng phê duyệt danh mục, kế hoạch triển khai và phương án phân bổ vốn hằng năm cho các nhiệm vụ, đề tài, dự án sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế;
b) Chủ trì thẩm định dự toán chi phí thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý; quản lý và thanh quyết toán kinh phí thực hiện; thực hiện xử lý tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định;
c) Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ ký hợp đồng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng với các đơn vị (sau khi có Quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí thực hiện); quản lý về tiến độ, nguồn vốn đối với các nhiệm vụ dự án theo phân công và ủy quyền của Bộ trưởng.
9. Chủ trì thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án do Bộ trưởng là người quyết định đầu tư; chủ trì thẩm định, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu các dự án, hoặc gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng theo quy định của pháp luật.
10. Về công tác thống kê:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng: phê duyệt các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, chính sách, chiến lược về thống kê ngành Xây dựng; ban hành hệ thống chỉ tiêu, phân loại thống kê và chế độ báo cáo thống kê ngành Xây dựng; chế độ báo cáo thống kê đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
b) Chủ trì tổng hợp danh mục các cuộc điều tra thống kê thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia mà Bộ được phân công và các cuộc điều tra thống kê chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng phương án điều tra thống kê và tổ chức thực hiện các cuộc điều tra thống kê được phân công;
c) Hướng dẫn các đơn vị xây dựng tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chất lượng thống kê trong lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Xây dựng lịch và quy chế phổ biến thông tin thống kê áp dụng thống nhất trong Bộ Xây dựng;
đ) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thống kê của đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở thực hiện công tác thống kê thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ;
e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, phát triển, quản lý vận hành hệ thống thông tin thống kê ngành Xây dựng;
g) Đầu mối tổng hợp, biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng, phân tích, dự báo, biên soạn Niên giám, ấn phẩm thống kê theo quy định của pháp luật.
11. Về công tác quản lý tài chính, tài sản:
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trình Bộ trưởng quyết định phân bổ, điều chỉnh dự toán thu - chi ngân sách cho đơn vị dự toán thuộc Bộ theo kế hoạch được duyệt;
b) Chủ trì thẩm định xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ quản lý; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính hằng năm của Bộ gửi Bộ Tài chính;
c) Thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt dự toán và quyết toán đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ; thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; chủ trì thực hiện việc quyết toán theo niên độ đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước;
d) Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý tài chính kế toán, tài sản trong các đơn vị hành chính và các đơn vị sự ngiệp công lập thuộc Bộ theo quy định của pháp luật;
đ) Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
12. Về thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định pháp luật:
a) Chủ trì trình Bộ trưởng về công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ; xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì trình Bộ trưởng phê duyệt để Hội đồng thành viên quyết định hoặc chấp thuận để Người đại diện phần vốn nhà nước tham gia ý kiến, biểu quyết kế hoạch 05 năm (bao gồm chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm) và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt và thực hiện báo cáo theo quy định;
c) Chủ trì trình Bộ trưởng về việc tổ chức thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động tài chính và đầu tư:
- Ban hành quy chế tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương mức vốn điều lệ; tăng, giảm vốn điều lệ, thẩm định hồ sơ, phương án điều chỉnh vốn điều lệ của các Tổng công ty; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ sau khi được phê duyệt.
- Xem xét, phê duyệt, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương, phương án huy động vốn; dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản; hợp đồng vay, cho vay; dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; hợp đồng thuê, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản; phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức phân cấp cho Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật, Điều lệ của doanh nghiệp.
- Xem xét, phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
- Quyết định hoặc chấp thuận hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư ra nước ngoài; tổng hợp báo cáo về tình hình các dự án đầu tư ra nước ngoài.
- Phê duyệt, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của Tổng công ty đầu tư tại doanh nghiệp khác; thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty; việc tiếp nhận doanh nghiệp.
- Phê duyệt hoặc chấp thuận Báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của Tổng công ty.
d) Chủ trì thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa;
đ) Thẩm định, quyết toán giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần;
e) Chủ trì xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai trước, trong và sau quá trình cổ phần hóa;
g) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin; Giám sát việc thu lợi nhuận, cổ tức được chia. Thực hiện chế độ báo cáo giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp theo quy định;
h) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác đánh giá xếp loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định;
i) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc Bộ về SCIC theo quy định của pháp luật;
k) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
13. Giúp Bộ tổ chức chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo sự phân công của Chính phủ.
14. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
15. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính được quyền:
a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ cung cấp những tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Vụ;
b) Ký thừa lệnh một số văn bản thuộc lĩnh vực công tác của Vụ theo Quy chế làm việc của Bộ và phân công của lãnh đạo Bộ; ký thừa ủy quyền một số văn bản khi được Bộ trưởng ủy quyền.
16. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.
Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Kế hoạch - Tài chính có Vụ trưởng, một số Phó vụ trưởng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ với định biên phù hợp nhu cầu công tác của Vụ theo từng thời kỳ.
2. Vụ trưởng và Phó vụ trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng, pháp luật và của Bộ Xây dựng.
3. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Vụ; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Vụ; phân công nhiệm vụ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong Vụ và báo cáo Bộ trưởng.