Xây dựng nông thôn mới: Mục tiêu mới trong giai đoạn mới

Thứ ba, 24/11/2020 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% xã NTM kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp thành phố”. Đây là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và nông dân Thủ đô để hướng đến mục tiêu mới trong giai đoạn mới.

Nông thôn Hà Nội hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả cao

Diện mạo mới, sức sống mới

Về thị xã Sơn Tây đúng dịp được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay căn bản của vùng đất Xứ Đoài này. Những tuyến đường bê tông phong quang, sạch sẽ nối liền làng trên, xóm dưới. Dọc hai bên các tuyến đường cây xanh tỏa bóng mát và rực rỡ khẩu hiệu đưa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội đại biểu (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thị xã Sơn Tây vào cuộc sống. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh chia sẻ: Sơn Tây bước vào xây dựng NTM với điểm xuất phát thấp: Cả 6/6 xã chưa có quy hoạch sử dụng đất; chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển khu dân cư; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; các tiêu chí NTM đạt thấp (bình quân mỗi xã đạt 3-5 tiêu chí, kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…). Song, với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thị xã Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho thị xã, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, an ninh trật tự xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Không riêng thị xã Sơn Tây, mới đây, các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Phú Xuyên cũng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng huyện NTM. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Tính đến tháng 10/2020, Hà Nội có 07 huyện, thị xã (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây) và 355/382 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 92,9%); 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại có 24 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt 11-14 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí/xã đạt 18,82 tiêu chí.

 

Các đại biểu thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Lễ công bố Thị xã Sơn Tây đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, thành tựu trong xây dựng NTM của Hà Nội thể hiện sự thay đổi tích cực trong nhận thức, sự nỗ lực, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của người dân Thủ đô trong việc khơi dậy, phát huy nội lực để công cuộc xây dựng NTM ngày càng khởi sắc. Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn có chuyển biến rõ rệt…, các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng - kinh tế xã hội. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng bảo đảm nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp… Đáng nói, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ…

“Bộ NN&PTNT đánh giá cao việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, phong trào xây dựng NTM của Hà Nội. Đây là nền tảng vững chắc để Hà Nội phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tiếp tục tạo bước chuyển mới

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) về "phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", chương trình vẫn còn một số hạn chế. Đó là, kết quả xây dựng NTM giữa các huyện còn chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn, thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt như Mỹ Đức, Ba Vì. Công tác tuyên truyền ở một số cơ sở còn chưa sâu, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM.

Mặt khác, nguồn lực cho công tác xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở một nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Để hiện thực hóa những mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn mới, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động toàn khóa, trong đó, có Chương trình số 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân giai đoạn 2021-2025”. 

Theo ông Chu Phú Mỹ, sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình hành động, UBND thành phố sẽ xây dựng đề án, kế hoạch triển khai; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo chương trình số 04 làm cơ sở để các địa phương thực hiện. Trước mắt, trong năm 2021, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Hạ tầng kinh tế - xã hội cũng sẽ được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. An ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm.

“Về lâu dài, trên cơ sở đề án, kế hoạch của UBND thành phố, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân chí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, vững mạnh. Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Nguồn: Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)