Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Với những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, chương trình XDNTM của tỉnh đã đạt được hiệu quả rõ nét, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa Yên Bái đã trở thành điểm sáng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong XDNTM.

Xây dựng nông thôn mới, người dân tích cực tham gia làm đẹp tuyến đường làng ngõ xóm, đưa bức tranh làng quê khởi sắc
Toàn tỉnh hiện có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bằng 78,76% tổng số xã (115/146 xã); 39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Trong đó, huyện Trấn Yên - huyện NTM đầu tiên của vùng Tây Bắc từ năm 2019, giờ đây đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh. Riêng trong quý I/2025, tỉnh đã xét, công nhận được 2 xã đạt chuẩn NTM (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải). Bức tranh nông thôn của tỉnh Yên Bái đã có sự thay đổi toàn diện, hình thành thêm nhiều miền quê đáng sống, đời sống người dân thay đổi theo hướng tích cực.
Những ngày đầu tháng 3/2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nậm Khắt vô cùng vui mừng và tự hào khi là địa phương đầu tiên của huyện Mù Cang Chải hoàn thành 19/19 tiêu chí và cán đích NTM sau 15 năm nỗ lực. Là xã đặc biệt khó khăn song với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; thực hiện và phát huy có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, xã đã huy động được trên 593 tỷ đồng để thực hiện xây dựng NTM. Trong đó, huy động nguồn lực nhân dân đóng góp gần 79 tỷ đồng, hiến 12.430 m2 đất. Đến nay, đường trục bản, đường ngõ, xóm được bê tông hóa, đảm bảo thuận tiện cho nhân dân đi lại…
Nhân dân trong xã đã chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng 76 ha hoa hồng và 30 ha rau, củ, quả và trồng nấm các loại; thực hiện trên 120 mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, cá tầm, cá hồi. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 46 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều ở xã Nậm Khắt
Cùng với Nậm Khắt, cách làm của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong XDNTM là phát huy dân chủ, đa dạng trong công tác tuyên truyền, vận động; cán bộ luôn đồng hành với người dân trong quá trình thực hiện; phân công, phân nhiệm đến từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí, lộ trình kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Cán bộ thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ cơ sở, người dân, cộng đồng để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn thông qua các phong trào như: Ngày thứ Bảy cùng dân; Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống; Mỗi người, mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường; phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân cư… đã tạo động lực rất lớn để cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy nội lực, tích cực chung sức, đồng lòng cùng tỉnh thực hiện XDNTM.
Năm 2025, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 9 xã trở lên đạt chuẩn NTM; 8 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Trấn Yên đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng NTM. Quan tâm rà soát, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận NTM.
Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ thực hiện xây dựng NTM đảm bảo thiết thực, hiệu quả; gắn việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM với thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Đồng thời, quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững…