Ngày 15/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu chế tạo chất kết dính thân thiện với môi trường sử dụng thay thế chất kết dính Urea Formaldehyde trong sản xuất ván gỗ nhân tạo”, do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh phát biểu tại cuộc họp
Bảo vệ kết quả thực hiện Nhiệm vụ trước Hội đồng, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh tác hại của Urea Formaldehyde (UF) đến sức khỏe con người, đồng thời cho biết, mục tiêu của Nhiệm vụ nhằm tìm ra phương án chế tạo chất kết dính trên cơ sở tinh bột sắn, để sử dụng thay thế một phần hoặc hoàn toàn UF trong sản xuất ván gỗ nhân tạo; xây dựng quy trình chế tạo chất kết dính; chế tạo chất kết dính trên quy mô pilot; sản phẩm ván sợi sử dụng chất kết dính đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 7753:2007.
Nhóm nghiên cứu đã tích cực tham khảo tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, đồng thời áp dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau để nghiên cứu cấp phối, điều kiện công nghệ chế tạo hệ chất kết dính trên cơ sở tinh bột sắn oxy hóa (OS) từ các nguyên liệu chủ yếu sau: tinh bột sắn; H2O2 (30%); CuSO4.5H2O; Sodium dodecyl sulfate (SDS); đã nghiên cứu và đưa ra điều kiện công nghệ phù hợp để chế tạo chất kết dính trên cơ sở tinh bột sắn oxy hóa (OS); tỷ lệ thay thế chất kết dính OS trong chế tạo ván MDF là OS/UF = 40/60. Tỷ lệ sử dụng tác nhân liên kết B-pMDI tối ưu là 5% khối lượng tinh bột sắn.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm thành công 100kg chất kết dính OS và ứng dụng sản xuất thử ván gỗ nhân tạo, sản phẩm đạt yêu cầu về tính chất cơ lý đối với ván MDF.D được quy định trong TCVN 7753:2007 và có hàm lượng phát thải formaldehyde < 0,1 mg/m3.
Kết thúc quá trình thực hiện, Nhiệm vụ kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép tiến hành những nghiên cứu sâu hơn để hướng tới việc sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên để thay thế hoàn toàn UF trong sản xuất ván gỗ nhân tạo; tiến hành các nghiên cứu để mở rộng ứng dụng của chất kết dính trên cơ sở tinh bột sắn trong chế tạo các loại ván gỗ nhân tạo khác như ván gỗ dán, ván dăm, ván ghép thanh.
Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ, đồng thời đánh giá cao ý nghĩa xã hội của Nhiệm vụ đó là nhằm giảm thiểu UF trong quá trình sản xuất ván gỗ nhân tạo, bảo vệ sức khỏe con người; nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các sản phẩm theo hợp đồng; hồ sơ nghiệm thu đầy đủ, tuân thủ đúng các quy định hiện hành; Báo cáo tổng hợp có thông tin phong phú, logics; các phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả tin cậy, mở ra triển vọng thay thế một phần, tiến tới thay thế hoàn toàn UF trong sản xuất ván gỗ nhân tạo.
Cũng theo các chuyên gia thành viên Hội đồng, Quy trình chế tạo chất kết dính có tính khả thi, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần biên tập ngắn gọn hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nhóm cần rà soát, làm rõ hơn yếu tố kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất SO để sử dụng thay thế UF trong sản xuất ván gỗ nhân tạo.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh tổng hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số ý kiến và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa, biên tập, nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết, các sản phẩm của Nhiệm vụ và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Nhiệm vụ với kết quả đạt loại Khá.