Luận chứng giải pháp bổ sung, tăng cường để thay thế một số yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đối với công trình “Khách sạn Hàng Bông”

Thứ ba, 09/04/2024 16:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được các văn bản số 03/CV-HOS ngày 20/01/2024 về việc xin ý kiến về PCCC và văn bản số 06/CV-LA ngày 27/3/2024 về việc cho ý kiến đối với luận chứng giải pháp bổ sung, tăng cường để thay thế một số yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đối với công trình “Khách sạn Hàng Bông” tại số 41-43 Phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội (hồ sơ kèm theo) của Công ty Cổ phần GM Hospitality.

Sau khi xem xét, Bộ Xây dựng đã có công văn 1540/BXD-KHCN có giải đáp như sau:

1. Về lối thoát nạn tầng hầm B2 lên tầng 1

Các yêu cầu về quy cách, cấu tạo, vị trí của thang bộ thoát hiểm quy định tại QVCN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD nhằm đảm bảo cho người trong công trình có thể di chuyển trong thang bộ thoát hiểm một cách dễ dàng, an toàn và thoát ra khỏi công trình trong trường hợp có cháy xảy ra. QCVN 06:2022/BXD cho phép dùng luận chứng kỹ thuật để chứng minh việc đảm bảo thoát nạn an toàn cho người. Trường hợp các thang chưa đảm bảo khoảng cách phân tán thì phải đảm bảo điều kiện đám cháy và khói không thể phong tỏa được thang trong thời gian con người chưa kịp thoát nạn hoàn toàn ra ngoài.

Thuyết minh luận chứng đã có tính toán tại 2.2.2.1 về chiều rộng lối thoát nạn tối thiểu theo số lượng người tuân thủ G.2.1.1 của QCVN 06:2022/BXD đối với nhà bậc I, II, với định mức 165 người/1m chiều rộng lối thoát nạn (25/165=0,152 m); công trình có 02 thang bộ thoát nạn với chiều rộng vế thang nhỏ nhất là 0,61 m về cơ bản đảm bảo chiều rộng lối thoát nạn theo tính toán và đủ đảm bảo kích thước để 1 người có thể chạy dễ dàng trong thang bộ (theo lý thuyết cần rộng 600 mm là đủ một người di chuyển). Ngoài ra, luận chứng còn bổ sung giải pháp tăng cường bằng hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, bố trí dây và mũi tên phản quang ở bậc thang trong không gian buồng thang bộ kết hợp giải pháp tăng áp bằng hệ thống quạt (1 quạt chính, 1 quạt dự phòng) và hệ thống quạt tăng áp cho buồng đệm thang bộ được đấu nối từ nguồn ưu tiên cấp bởi 2 nguồn điện độc lập (1 nguồn điện lưới, 1 nguồn điện máy phát) cho 2 buồng thang bộ.

Giải pháp đã nêu phù hợp với nguyên tắc đảm bảo thoát nạn theo quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

2. Về khe hở giữa 2 bản thang

Tại 6.12 của QCVN 06:2022/BXD (đã được sửa đổi, bổ sung tại Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD) có quy định: “Giữa các bản thang và giữa các lan can tay vịn của bản thang phải có khe hở với chiều rộng thông thủy chiếu trên mặt bằng không nhỏ hơn 75 mm. Trường hợp không thể bảo đảm yêu cầu này thì tại mỗi tầng cần bố trí ít nhất một họng khô để cấp nước chữa cháy cho tầng đó. Không yêu cầu khe hở vế thang đối với cầu thang loại 3”. Giải pháp bố trí họng khô nêu trong thuyết minh luận chứng phù hợp với quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

3. Về thang bộ không nhiễm khói N1 đối với nhà có chiều cao PCCC trên 28 m

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.1.2: công trình có sử dụng 01 buồng thang bộ không nhiễm khói N3 tại trục (X5-X6)/(Y1-Y2) với buồng đệm và 01 thang bộ không nhiễm khói N2 tại trục (X3-X4)/(Y1-Y2) cùng các giải pháp tăng cường đi kèm cho từng buồng thang đó. Giải pháp đã nêu phù hợp với nguyên tắc đảm bảo an toàn thoát nạn theo quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

4. Về bố trí thang máy chữa cháy

Các thang máy chữa cháy nhằm phục vụ công tác PCCC&CNCH của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, do đó cần được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH có thẩm quyền thẩm duyệt quyết định.

5. Về bố trí phòng trực điều khiển chống cháy

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.1.4: bố trí phòng trực điều khiển chống cháy tại vị trí lễ tân của tầng 1 (nơi có sảnh tiếp đón, lễ tân), bố trí người được trang bị kiến thức và tập huấn về phòng cháy chữa cháy thường trực 24/24, có lối ra trực tiếp bên ngoài và có thể thay thế cho phòng trực phòng cháy chữa cháy). Giải pháp này phù hợp với nguyên tắc đảm bảo có phòng trực điều khiển chống cháy theo quy định tại 6.17 của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

6. Về bố trí phòng bơm đảm bảo theo QCVN 02:2020/BCA

Phòng bơm phục vụ công tác PCCC&CNCH của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, do đó cần được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH có thẩm quyền thẩm duyệt quyết định.

7. Về việc thang bộ trục X3-Y1 / X4-Y1 từ tầng 10 xuống đến tầng 2

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.2.2: tạo hành lang ngăn cháy với giới hạn chịu lửa tương đương với vách ngăn cháy loại 1 có các cửa mở vào hành lang được ngăn cháy và có cơ cấu tự động thường đóng, đồng thời tăng cường đèn chiếu sáng tầm thấp, đèn chỉ hướng tầm thấp cho hành lang. Giải pháp này phù hợp nguyên tắc thoát nạn nêu trong QVCN 06:2022 và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

8. Về lối ra ngoài trực tiếp từ buồng thang bộ

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.2.3: bố trí dải sơn phản quang tại tầng 1 dọc theo đường di chuyển từ thang bộ ra đến cửa chính thoát nạn. Có đèn sự cố chiếu sáng gắn tường dọc theo đường di chuyển với khoảng cách giữa 2 đèn không lớn hơn 10 m, điểm cụt không lớn hơn 5 m, đảm bảo chống chói, chống lóa theo TCVN 13456:2022. Giải pháp này phù hợp nguyên tắc đảm bảo có lối thoát ra trực tiếp theo quy định của QVCN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

9. Về lối vào trên cao

Thuyết minh luận chứng có nêu giải pháp tại 2.2.2.4: vị trí tầng lửng bố trí hành lang thoát nạn với các cửa quay ra hành lang là cửa chống cháy với giới hạn chịu lửa EI 30. Giải pháp này phù hợp với nguyên tắc đảm bảo theo quy định tại 6.2.2.1 và 6.2.2.3 của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Bộ Xây dựng đề nghị Công ty Cổ phần GM Hospitality nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ, gửi cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền xem xét, quyết định; triển khai các bước tiếp theo phù hợp với các quy định pháp luật về PCCC. Trong suốt quá trình khai thác sử dụng, phải thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa các hạng mục PCCC; khai thác sử dụng đúng số người theo thiết kế; cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện cam kết duy trì nhân viên có chuyên môn thường xuyên trực điều khiển chống cháy để kịp thời xử lý ngay các tình huống khi xảy ra sự cố cháy.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1540/BXD-KHCN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)