1. Nội dung kiến nghị tại Mục 5: "Tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy trình rút gọn thực hiện nhà ở xã hội nhưng thủ tục công tác lựa chọn nhà đầu tư vẫn còn phức tạp, mất thời gian. Hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội là nhu cầu thật, cấp bách, nhất là các địa phương có đông công nhân; trong khi nhu cầu nhà ở thương mại ở một số nơi chưa thật sự là nhu cầu thật. Do đó việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cũng là biện pháp quan trọng để bình ổn thị trường bất động sản. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm cơ chế bốc thăm khách quan, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (sau khi đã xác định các nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm). Và kiến nghị Chính phủ sửa đổi điều kiện về thu nhập người mua nhà ở xã hội theo hướng: không có thu nhập cao nhưng cũng không bị ràng buộc thu nhập quá thấp, để đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng khi vay mua nhà ở xã hội."
Về vấn đề này Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1.1. Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
Tại Điều 57 Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề xuất phương án lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức bốc thăm. Tuy nhiên, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo xây dựng phương án quy định việc thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và điều chỉnh quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Điều 84 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ các quy định của pháp luật, rút gọn thủ tục hành chính và minh bạch trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
1.2. Về điều kiện về thu nhập người mua nhà ở xã hội
a) Quy định hiện hành
Tại điểm c khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định: "Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân."
Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định: "Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập như sau: a) Các đối tượng quy định tại Khoản 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị mà người đó đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; b) Các đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 49 của Luật Nhà ở tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết."
Tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định: "Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập như sau: a) Các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị mà người đó đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; b) Các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật Nhà ở tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết."
b) Quy định của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15
Việc quy định điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân dẫn đến nhiều trường hợp người dân không đủ tài chính để mua nhà như ý kiến của tỉnh Đồng Nai, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính.
Do vậy, tại điểm b khoản 1 Điều 78 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có quy định: “b) Điều kiện về thu nhập: đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ; đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 76 của Luật này thì phải thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.”
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được giao chủ trì Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng xin nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong quá trình dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để quy định về điều kiện thu nhập ở mức khả thi, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính.
2. Nội dung kiến nghị tại Mục 6: "Kiến nghị Chính phủ phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án Nhóm A có công trình cấp II trở xuống (dưới 25 tầng, dưới 75m)."
Về vấn đề này Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi các quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc đảm bảo việc phân cấp đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện của đa số các địa phương trên cả nước. Các pháp luật có liên quan đến công trình xây dựng như phòng cháy, chữa cháy, môi trường cũng dựa trên các nguyên tắc này để phân định thẩm quyền quản lý giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để nghiên cứu, đề xuất về nội dung phân cấp tại sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.
3. Nội dung kiến nghị tại Mục 7: "Có cơ chế đặc thù cho phép người dân được xây dựng công trình du lịch phụ trợ (chòi ăn uống, lều trại, khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp, lưu niệm...) bằng các vật liệu lắp ghép, bán kiên cố, các vật liệu như gỗ, mây, tre, nứa, các tấm vật liệu nhân tạo... trên đất nông nghiệp, để khuyến khích người dân tham gia phát triển loại hình du lịch nông thôn"
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 12 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng thì:
“a) Đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng và theo quy định, dự án đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác thì quy hoạch xây dựng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành này là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng;
b) Đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan hoặc thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về vị trí và tổng mặt bằng (đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị) là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng”.
Do đó, về sự phù hợp quy hoạch xây dựng của dự án du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dự kiến có xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, đất rừng,… thì căn cứ các quy hoạch của ngành du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp và pháp luật liên quan để làm cơ sở xem xét cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, điều kiện và thủ tục để cấp giấy phép xây dựng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xây dựng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1197/BXD-HĐXD.