Theo Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng, từ năm 2006, Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu đô thị mới được ban hành đã phát huy hiệu quả. Diện mạo đô thị đổi mới từng ngày cả về quy mô, số lượng đến chất lượng đô thị. Cảnh quan đô thị, hạ tầng, kiến trúc… ngày càng phát triển. Các đô thị thực sự trở thành hạt nhân, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên mọi vùng, miền trong cả nước. Nhu cầu nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt việc đảm bảo cung, cầu của thị trường nhà ở được đảm bảo.
Tuy nhiên, sau 5 năm ban hành, Nghị định 02/2006/NĐ-CP cũng bộc lộ những bất cập cần khắc phục như: sự kết nối giữa các đô thị, đặc biệt kết nối hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức; Nhà ở xã hội đặc biệt nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị đã được quan tâm nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa…
“Nhằm lập lại trật tự phát triển đô thị hướng đến sự phát triển đô thị một cách bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai, phát triển đô thị phải đạt được mục tiêu xã hội vì chất lượng cuộc sống của con người, trong đó đặc biệt quan tâm đến người thu nhập thấp, người nghèo khó có điều kiện tiếp cận nhà ở… Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định Quản lý dự án phát triển đô thị nhằm thay thế Nghị định số 02/2006/ NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu đô thị mới”- Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Đại biểu của 28 tỉnh thành khu vực phía bắc dự Hội thảo.
Trong những năm qua, các luật liên quan đến đầu tư xây dựng được ban hành đã đi vào cuộc sống, tạo sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sự phát triển chưa thực sự bền vững, hiệu quả đầu tư chưa cao, quản lý nguồn vốn ngân sách được tăng cường nhưng chưa chặt chẽ, các nguồn vốn ngoài nhà nước ngày càng tăng nhưng môi trường tạo điều kiện và phát huy nguồn vốn này còn bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều còn bất cập trong cơ chế quản lý đầu tư xây dựng là điều hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi nhất trong lĩnh vực này.
Dự thảo Nghị định Quản lý dự án phát triển đô thị gồm 6 chương, 42 điều, quy định cụ thể từ lựa chọn, công bố khu vực phát triển đô thị, chuẩn bị và thực hiện dự án phát triển đô thị đến những quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các điều khoản thi hành. Đề án đổi mới cơ chế đầu tư xây dựng được xây dựng cụ thể, chặt chẽ từ trình tự thủ tục chuẩn bị triển và triển khai dự án theo hướng cải cách thủ tục hành chính; Phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế; Khắc phục những khó khăn trong cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng hiện nay; Tiếp tục cải tiến nội dung giấy phép xây dựng, giấp phép sử dụng công trình…cũng như việc quản lý chi phí, chất lượng an toàn trong thiết kế, thi công…
Tại Hội nghị, các vị đại biểu đã tích cực góp ý các dự thảo. Các vị đại biểu thống nhất cho rằng: Đây là hội thảo quan trọng nhằm sửa đổi một số bất cập liên quan tới quản lý đầu tư xây dựng như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Doanh nghiệp… cũng như Nghị định quản lý dự án phát triển đô thị.
Trước đó, ông Phùng Quang Hùng - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phát biểu chào mừng Hội thảo và cho rằng: Vĩnh Phúc tự hào được đăng cai tổ chức Hội thảo. Trong những năm qua, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những đô thị phát triển ở vùng Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế thay đổi, trong đó công nghiệp dịch vụ chiếm 86%, nông nghiệp 13%, thu ngân sách đạt 15 ngàn tỷ đồng… Hệ thống hạ tầng được nâng cấp, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, tạo thế và lực giúp Vĩnh Phúc đi lên.
Cũng theo ông Hùng, chủ trương xây dựng và ban hành Nghị định Quản lý dự án phát triển đô thị và đề án đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết, tạo hành lang pháp lý để các địa phương xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
Theo : Báo Xây dựng điện tử