Trên thế giới thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (thí nghiệm SPT) được sử dụng rộng rãi ở Bắc Mỹ sau đó là châu Âu, còn ở LB Nga hầu như không thực hiện thí nghiệm này mà sử dụng các tiêu chuẩn tương đồng.
Ở Việt Nam thí nghiệm SPT được bắt đầu sử dụng từ khoảng những năm 1995 và cho đến nay thí nghiệm SPT được sử dụng nhiều trong khảo sát địa kỹ thuật.
Tài liệu pháp quy về SPT đang sử dụng chủ yếu ở nước ta là tiêu chuẩn TCXD 226: 1999 - Đất xây dựng, phương pháp thí nghiệm hiện trường, thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn này được biên soạn lần đầu vào năm 1999 trên cơ sở tiêu chuẩn Mỹ ASTM D1586-99: “Standard Test Method for Penetration Test and Split Barrel Sampling of Soil”, đến nay đã 10 năm vẫn chưa được soát xét. Trong tiêu chuẩn còn chưa đề cập đến năng lượng hiệu quả của thiết bị và ảnh hưởng của áp lực bản thân của đất lên sức kháng xuyên tiêu chuẩn SPT.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang có chủ trương chuyển đổi toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam theo tiêu chuẩn châu Âu (EN) và tiêu chuẩn thí nghiệm SPT cũng nằm trong kế hoạch chuyển đổi này.
Trước thực trạng trên, để đáp ứng yêu cầu thí nghiệm hiện trường ở nước ta, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện KHCN xây dựng thuộc Bộ thực hiện đề tài KHCN biên soạn tiêu chuẩn “Khảo sát và thí nghiệm địa kỹ thuật - Thí nghiệm hiện trường: Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn”. Việc biên soạn tiêu chuẩn được thực hiện thông qua chuyển dịch từ tiêu chuẩn châu Âu EN ISO 22476-3: 2005 - Khảo sát và thí nghiệm địa kỹ thuật - thí nghiệm hiện trường. Phần 3: Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (ISO 22476-3:2005 - Geotechnical investigation and testing - Field testing - Part 3: Standard penetration test).
Theo báo cáo của tổ kỹ thuật biên soạn tiêu chuẩn, thực hiện nhiệm vụ được giao nhóm đề tài đã tiến hành chuyển dịch trung thành tiêu chuẩn EN ISO 22476-3:2005 nêu trên. Ngoài các điều khoản mang tính thủ tục như phạm vi áp dung, các tiêu chuẩn tham chiếu và thuật ngữ, định nghĩa, nội dung được chuyển dịch còn bao gồm mô tả, yêu cầu kỹ thuật của thiết bị, quy trình thí nghiệm, kết quả thí nghiệm, lập báo cáo cùng với 2 phụ lục A và B trình bày bản chất và cách sử dụng các hệ số hiệu chỉnh và khuyến cáo phương pháp đo năng lượng thực tế và xác định tỷ số năng lượng của thiết bị.
Sau khi nghe nhóm đề tài báo cáo, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng nghiệm thu đã tham gia ý kiến và trao đổi về việc làm thế nào để có thể triển khai áp dụng tiêu chuẩn trong thực tế xây dựng ở nước ta. Các ý kiến tham gia cho rằng việc biên soạn và ban hành tiêu chuẩn là thực sự cần thiết, nội dung của tiêu chuẩn mang tính tiến bộ mà hiện đã và đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó cũng khuyến nghị nhóm đề tài tiếp tục chuẩn hoá một số từ ngữ, thuật ngữ của bản dịch sao cho thống nhất với từ ngữ đã và đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Mặt khác do việc áp dụng tiêu chuẩn sẽ đòi hỏi bổ sung các trang thiết bị nên cũng cần có giai đoạn chuẩn bị cho việc áp dụng tiêu chuẩn.
Phát biểu kết luận TS. Nguyễn Trung Hoà - Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết việc biên soạn và ban hành tiêu chuẩn là cần thiết và sẽ thay thế tiêu chuẩn liên quan đang áp dụng ở nước ta hiện nay, do vậy nhóm đề tài cần hoàn chỉnh kết quả trên cơ sở ý kiến của Hội đồng và theo hướng chuyển dịch hợp lý, trong đó lưu ý bổ sung các nội dung còn phù hợp của tiêu chuẩn TCXD 226:1999 về thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn đang được áp dụng. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết Hội đồng nhất trí nghiệm thu và đánh giá đề tài đạt loại khá.
H. Phước