Đạt nhiều kết quả quan trọng
Long An được xác định là một trong những khu vực phù hợp để khai thác và phát triển điện năng lượng (ảnh: H.Mẫn)
Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược, là cửa ngõ kết nối với TP Hồ Chí Minh, nối liền Đông Nam Bộ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 5 năm qua, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh ước đạt khoảng hơn 9%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 77 triệu đồng.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 14,9%/năm, đóng vai trò động lực phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Đầu tư công được tập trung theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, giảm dàn trải và giải quyết các công trình bức xúc.
Việc huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng được thực hiện tốt. Nhất là chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Trong những năm gần đây, Long An đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, có tiềm lực đã thực sự quan tâm và xúc tiến thủ tục đầu tư các dự án công nghiệp, dân cư, đô thị, thương mại - dịch vụ, điện năng lượng mặt trời, tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn.
Mô hình trồng thanh long theo công nghệ cao ở Long An.(Ảnh: H.Mẫn)
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh luôn tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đạt hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các vùng dự án về sản xuất lúa, thanh long, rau, chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao cơ bản đã hình thành; một số vùng sản xuất chuyên canh mới tiếp tục được đầu tư và phát huy hiệu quả (chanh, chuối, thủy sản,...); từng bước hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân đạt khoảng 5,8%/năm. Mạng lưới phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích ngày càng mở rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong Nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất và làm thay đổi diện mạo ngành thương mại dịch vụ của tỉnh theo hướng hiện đại.
Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 25,1 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 14,5%/năm đồng thời thị trường không ngừng được mở rộng, đã xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.
Công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách nhà nước được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, hàng năm đều đạt, vượt kế hoạch. Tốc độ tăng thu hằng năm đạt 12,8%, năm 2020 quy mô thu ngân sách ước đạt 1,78 lần so với năm 2015.
Các thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ… tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có quy mô khá lớn, công nghệ tiên tiến hoạt động trên địa bàn tỉnh. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm tốt, đặc biệt năm 2018 đứng thứ 3 cả nước.
Công tác an sinh luôn được đảm bảo
Đường nông thôn mới nối trung tâm thị trấn Tân Trụ với xã Đức Tân, huyện Tân Trụ được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa (ảnh: H.Mẫn)
Từ những kết quả trong 5 năm qua, có thể thấy, Long An đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để phát triển địa phương ngày một giàu đẹp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước.
Bên cạnh các hoạt động kinh tế đạt được những kết quả tích cực, với mức tăng trưởng ở tốc độ khá cao, vượt chỉ tiêu đề ra thì các hoạt động văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến toàn diện, quy mô phát triển giáo dục phù hợp, vững chắc. Hiện, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 50,5%.
Long An đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là các hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập trong Nhân dân và đầu tư phát triển giáo dục. Trình độ dân trí ở các huyện vùng sâu, vùng biên giới được nâng lên.
Trong lĩnh vực y tế, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; có 95% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm, chủ động nên tình hình ổn định. Trình độ chuyên môn và y đức của đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế được nâng lên.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng đi vào thực chất. Có thể thấy, nhiệm kỳ 2015-2020 chứng kiến sự chuyển mình, khởi sắc rõ nét của quê hương Long An từ vùng thành thị đến nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Đến nay, toàn tỉnh có 93/161 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, huyện Châu Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hiện tỉnh đang chuẩn bị thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho thị xã Kiến Tường, huyện Tân Trụ.
Trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều đổi mới, hiệu quả, thiết thực đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống mức thấp (còn 1,22%). Chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; quan tâm xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng, gia đình chính sách, người có công, hoàn cảnh khó khăn; đã cơ bản không còn khó khăn về nhà ở. Công tác trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội được tập trung thực hiện tốt. Huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bò giống… cho vùng biên giới, vùng khó khăn, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo niềm tin, sự phấn khởi cho người dân.
Song song đó, quốc phòng - an ninh được tăng cường, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; quản lý tốt biên giới, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường, củng cố, mở rộng và phát triển toàn diện, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Từ kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Long An đặt ra mục tiêu trong thời gian tới tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thúc đẩy cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nhằm tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trong nhóm đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.