Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh để nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn và nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao, tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất, nên nhu cầu về nhà ở của người lao động trên địa bàn tỉnh rất lớn. Nhằm giúp người lao động “an cư – lạc nghiệp”, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách tập trung xây dựng các thiết chế cho người lao động, đặc biệt là quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chương trình phát triển nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đến nay, việc đáp ứng nhà ở cho công nhân, người lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đơn cử như tại ngành Than, hiện đang sử dụng số lượng lao động lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với trên 70.000 người, trong đó vẫn còn 9.000 người chưa có chỗ ở ổn định.
Lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo Đề án tại cuộc họp.
Theo Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh do Sở Xây dựng chủ trì thực hiện, nhu cầu của các nhóm đối tượng này dự báo đến năm 2025 là khoảng 46.000 căn hộ.
Với mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nhà ở của các nhóm người lao động này, tương ứng khoảng 25.000 căn hộ, Đề án cũng nêu lên những giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ các dự án và thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; điều chỉnh quy hoạch; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở.
Tham gia đóng góp ý kiến về Đề án, nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nhà ở nêu lên những khó khăn, vướng mắc cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất giải pháp trong việc đầu tư nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Quang cảnh cuộc họp
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhà ở cho công nhân là vấn đề mà Chính phủ cũng như tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên để giải quyết thỏa đáng, kịp thời nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động, ngoài việc đề xuất, tham mưu cho Trung ương bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, thì quyết tâm, nỗ lực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng để đầu tư thành công nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Với quan điểm phải đảm bảo chi phí phù hợp nhất cùng điều kiện đi lại thuận lợi, nhằm giúp người lao động tiếp cận dễ dàng với quỹ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, cũng như thu hút đầu tư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn yêu cầu Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp về quỹ đất, quy hoạch cho phù hợp.
Về tài chính, nguồn lực đầu tư, cùng với nguồn lực từ nhà nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh KCN, kinh doanh sản xuất, kinh doanh khu đô thị thì cũng phải gắn trách nhiệm với việc đầu tư nhà công nhân, nhà ở xã hội. Bởi công nhân có ổn định chỗ ở mới yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty, đơn vị, giúp đơn vị phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị trong Đề án cũng cần phân tích các giải pháp trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.