Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. (Ảnh: TTH/Vietnam+)
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, mới đây, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Cũng tới thời gian này, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung. Thừa Thiên Huế sẽ phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng-an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ cũng như chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hóa. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa giải quyết tốt. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư và xây dựng hiện đại, đồng bộ. Đô thị hóa và hệ thống đô thị phát triển còn chậm, chưa thể hiện thực sự rõ nét bản sắc đô thị Huế.
Theo ông Trần Quốc Phương, những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh trong thời gian qua cần được nhận diện và tập trung xử lý trong bản quy hoạch để tận dụng được thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo thêm năng lượng để Thừa Thiên Huế bứt phá phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu. (Ảnh: MPI/Vietnam+)
Ông Phương chia sẻ Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự quan tâm của Thừa Thiên Huế trong quá trình lập và hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế được lập và hoàn thiện trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Phát triển thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng.”
Mặt khác, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã xác định tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong vùng động lực miền Trung. Đây chính là cơ hội để Thừa Thiên Huế xác định sứ mệnh của mình. Do vậy, quy hoạch lần này cần phải xây dựng một mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả và có tính kết nối cao nhằm khơi dậy những động lực tăng trưởng mới dựa trên các nền tảng hiện hữu và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Để giúp Thừa Thiên Huế nhận diện được rõ hơn các hạn chế và điểm nghẽn, Hội đồng thẩm định tham gia ý kiến, tập trung vào ba nhóm vấn đề chính về tính hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhìn nhận Quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt và có tính chất bản lề. Sau khi được phê duyệt, Quy hoạch sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất, hành lang vững chắc cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của địa phương.
Hiện Thừa Thiên Huế đang tập trung chỉ đạo triển khai lập quy hoạch và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, quá trình tổ chức lập quy hoạch có một số khó khăn, hạn chế, theo đó các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định với tinh thần cầu thị nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đồng thời thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương. (Ảnh: MPI/Vietnam+)
Trên cơ sở ghi nhận các ý kiến đóng góp, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khẩn trương lập Báo cáo tiếp thu, giải trình đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch./.