Lo ngại thiếu nước trong mùa nắng nóng, Hà Nội sẽ tăng khai thác nước ngầm

Thứ bẩy, 04/05/2024 14:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để không để xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước cục bộ, đặc biệt trong mùa hè 2024 dự báo có nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm, thành phố Hà Nội vừa chấp thuận nâng công suất khai thác nước ngầm Nhà máy nước Mai Dịch.

Để bù đắp lượng nước thiếu hụt, ngoài việc tăng khai thác, thành phố cũng sẽ sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng để bổ sung. Ảnh minh họa

Nhà máy nước Mai Dịch có công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm, sản xuất, cung cấp nước sạch cho người dân các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và một phần quận Đống Đa.

Thực hiện chủ trương giảm nước ngầm nên nhà máy đang vận hành với công suất 49.000 m3/ngày đêm với 37 giếng khoan, trong đó bãi giếng Mai Dịch công suất 37.000 m3/ngày đêm với 26 giếng khoan; bãi giếng Thượng Cát công suất 12.000 m3/ngày đêm với 11 giếng khoan.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, dự báo nhu cầu sử dụng nước từ nguồn nhà máy nước Mai Dịch là rất lớn, tăng khoảng 10% so với hè 2023. Trong khi đó nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm tại huyện Đan Phượng theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành từ năm 2021 và một phần nước từ đây sẽ cấp bổ sung cho phần nước ngầm giảm khai thác. Nhưng dự kiến quý IV/2024 nhà máy mới hoạt động nên hiện chưa có nguồn nước bổ sung.

Để không để xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước cục bộ, đặc biệt trong mùa hè 2024 Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội cập nhật tiến độ triển khai các dự án Nhà máy nước mặt (Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2; Nhà máy nước mặt sông Hồng) để xây dựng kế hoạch giảm khai thác nguồn nước ngầm theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 4/2021.

Theo quyết định của Thủ tướng, Hà Nội giảm nước ngầm từ 770.000m3 như hiện nay xuống 615.000m3 đến năm 2025; đến 2030 còn 504.000m3 và đến 2050 còn 413.000m3. Một số nhà máy đã đóng cửa giếng ngầm, như Nhà máy nước Hạ Đình đóng 8/17 giếng, còn 9 giếng đang khai thác luân phiên. Nhà máy Nước Pháp Vân công suất thiết kế 30.000m3/ngày đêm đang giảm khai thác xuống 5.000m3; sau năm 2030 ngừng giếng ngầm, đưa về chế độ dự phòng...

Hà Nội dự kiến nhu cầu sử dụng nước trung bình của năm 2024 trên 1,4 triệu m3/ngày đêm, tăng khoảng 3,5% so với năm 2023. Trong khi đó dự báo tổng công suất nước khai thác từ các nhà máy gần 1,35 triệum3/ngày đêm (nước ngầm hơn 700.000m3/ngày đêm; nước mặt 650.000m3/ngày đêm), thiếu 30.000-70.000m3/ngày đêm so với nhu cầu.

Để bù đắp lượng nước thiếu hụt, ngoài việc tăng khai thác, thành phố cũng sẽ sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng để bổ sung.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm 2024 là 1.434.000m3/ngày, đêm, tăng 87.000 m3/ngày, đêm, lúc cao điểm có thể thiếu từ 50.000 - 70.000m3/ngày, đêm. Khi các nguồn nước mặt không đủ cung ứng cho người dân Thủ đô thì buộc phải sử dụng các nguồn nước ngầm dự phòng.

Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy phép nâng cấp công suất khai thác nước dưới đất cho bãi giếng Mai Dịch. Nguồn nước ngầm này cùng với nguồn nước ngầm dự phòng sẽ cung cấp thêm cho thành phố khoảng 100.000m3/ngđ. "Đây là giải pháp tạm thời để cấp đủ nước sạch cho người dân trong giai đoạn hè 2024", đại diện Sở Xây dựng thông tin.

Theo các chuyên gia lĩnh vực cấp nước, việc các nhà máy nước mặt đạt giới hạn công suất nhưng vẫn thiếu nước sinh hoạt cho thấy việc điều hành mạng lưới nước sạch "có vấn đề". Mục tiêu giảm khai thác nước ngầm theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 là đúng đắn.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội mà cụ thể ở đây là Sở Xây dựng Hà Nội cần phải bảo đảm nguyên tắc khi nào nước mặt đủ nguồn cung mới giảm nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần bổ sung nguồn lực để đầu tư hệ thống mạng lưới phân phối nước, từ đó bảo đảm luân chuyển nước cho người dân.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)