Hà Nội: Nỗ lực khôi phục, phát triển và bảo vệ cây xanh đô thị

Thứ sáu, 22/11/2024 15:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để khôi phục, phát triển và bảo vệ cây xanh đô thị sau cơn bão số 3 Yagi, TP. Hà Nội ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các phương án trồng, thay thế cây xanh, tạo lập một diện mạo mới cho đô thị.

Cần lựa chọn những loài cây cho phù hợp với không gian đô thị

Những năm qua, tỉ lệ cây xanh ở Hà Nội ngày càng tăng lên, các tuyến phố đã được phủ xanh bằng nhiều loại cây khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội (Sở Xây dựng), trước bão số 3, số lượng cây bóng mát trên địa bàn thành phố có khoảng 1.165.000 cây, trồng trên 1.310 tuyến đường, phố, công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng và trong khuôn viên tổ chức, cá nhân. Còn trên địa bàn 12 quận có khoảng 142.000 cây xanh (chưa bao gồm cây trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân).

Sở Xây dựng Hà Nội quản lý hơn 700.000 cây xanh (gồm 194.000 cây đô thị và 510.000 bóng mát, lấy gỗ). Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong số này, theo phân cấp, Sở Xây dựng Hà Nội quản lý hơn 700.000 cây xanh (gồm 194.000 cây đô thị và 510.000 bóng mát, lấy gỗ) trên địa bàn 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã và Công viên Thủ Lệ. UBND cấp huyện quản lý khoảng 461.000 cây tại các địa bàn còn lại.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam cho biết, TP. Hà Nội đã đầu tư nhiều cho cây xanh và chiến lược 1 triệu cây xanh của Hà Nội đã thành công. Tuy nhiên, nhiều chủng loại cây được trồng tại những tuyến đường phố, vỉa hè hay thậm chí dưới gầm cầu vượt đường sắt trên cao chưa phù hợp, do đó hiệu quả sử dụng chưa phát huy được tối đa. Việc trồng cây trên địa bàn thành phố thường theo đợt, theo chủng loại hoặc theo xu thế, trồng đồng loạt trên tất cả các tuyến chứ không có kịch bản và kế hoạch thực hiện một cách bài bản. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có bước trồng thử nghiệm các loại cây mới trước khi đưa ra trồng đại trà.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn cho rằng, nhiều tuyến phố nhỏ, vỉa hè bé như phố Lý Nam Đế, hiện đang trồng những cây lớn như xà cừ, sao đen khiến cây chiếm hết vỉa hè, mọc lệch tán, phá vỉa hè và công trình, gây nguy cơ mất an toàn. Chưa kể các cây đã già cỗi, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão nhưng khó phát hiện bằng mắt thường, tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân.

Ngoài ra, việc Hà Nội chưa có quy hoạch bài bản về cây xanh đường phố, cây xanh công viên sẽ để lại nhiều hệ lụy cho tương lai.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn, nếu Hà Nội có kịch bản, định hướng cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có những câu chuyện gắn với bản sắc từng con phố thì sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây cho phù hợp với không gian đô thị. Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp nữa. Do đó, cần lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ những cây không còn phù hợp.

TP. Hà Nội cần phải có quy hoạch cây xanh đô thị bài bản

Chú trọng về công tác tái thiết cây xanh đô thị trong thời gian tới, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, để có hệ thống cây xanh tổng thể tốt trong tương lai, TP. Hà Nội cần chuẩn bị đội ngũ giàu kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn bởi cây trồng trong đô thị có điều kiện môi trường đặc thù, yêu cầu chăm sóc, duy trì cũng khác, liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội.

PGS.TS Đặng Văn Hà cho rằng, cần đặc biệt chú trọng các chủng loại cây trồng. Bên cạnh đó cần tính tới những vấn đề liên quan đến hạ tầng điện nước. Có kế hoạch bài bản. Không phải cây nào cũng đánh đồng trồng một kiểu giống nhau.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn cho rằng, TP. Hà Nội cần phải có quy hoạch cây xanh đô thị bài bản, chủ động lựa chọn, phát triển các loài cây phù hợp với đô thị, từng bước thay thế cho cây hư hỏng, cây già cỗi không còn phù hợp, cây rễ nổi, tán lớn và nặng trong các không gian nhỏ hẹp…

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, việc thay thế cây không thể thực hiện đồng loạt mà cần nghiên cứu cụ thể và đưa ra lộ trình phát triển cây xanh đồng bộ cho toàn địa bàn và lựa chọn những loại cây xanh phù hợp.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn đề xuất, để nâng cao hiệu quả chăm sóc cây xanh hiện nay, TP. Hà Nội phải có quỹ vườn ươm đủ lớn. Vườn ươm giúp chăm sóc cây xanh đủ chất lượng với kích thước và hình thái đáp ứng tốt các yêu cầu sinh trưởng và phát triển sau khi trồng. Cần hạn chế việc lấy cây xanh từ các nơi khác về Hà Nội trồng, giải pháp này bản chất chỉ là di chuyển cây từ các nơi khác về trồng, không tăng thêm diện tích cây xanh về tổng thể, giảm chất lượng cây xanh khi đánh chuyển, nhất là đối với những cây có kích thước lớn và khó tạo được tính đặc trưng cho cảnh quan Hà Nội.

Sau cơn bão số 3 (Yagi), Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện rà soát, đánh giá lại từ chủng loại cây, các vị trí trồng cây, điều kiện thổ nhưỡng cũng như các không gian để cây xanh phát triển...

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, thực hiện chỉ đạo, Sở sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu sâu về cây xanh đô thị và sẽ có báo cáo đánh giá tổng quát việc trồng cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ chủng loại cây đến các vị trí trồng cây...

Trước sự phát triển đa dạng về chủng loại cây trồng và điều kiện hạ tầng thành phố đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây, tới đây, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá việc này một cách tổng thể. Các phương án trồng, thay thế cây xanh sẽ được công khai, minh bạch và lấy ý kiến rộng rãi để đạt được sự đồng thuận của người dân.

Để phát triển cây xanh đô thị đồng bộ, chất lượng, mới đây UBND TP. Hà Nội đã ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăm sóc, nuôi dưỡng động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Quy trình, định mức cụ thể gồm: Quy trình duy trì công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội; Định mức kinh tế kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 23/11/2024 và thay thế các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật ban hành tại Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăn nuôi động vật trưng bày trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về điều khoản chuyển tiếp, đối với gói thầu sử dụng quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội đã được phê duyệt dự toán và giá gói thầu, trường hợp đã lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký; trường hợp đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư, cơ quan được giao tổ chức nhiệm vụ thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với gói thầu duy trì công viên, cây xanh và chăm sóc, nuôi dưỡng động vật trưng bày trên địa bàn Thành phố chưa phê duyệt dự toán, giá gói thầu thì thực hiện theo Quyết định này.

UBND Thành phố giao Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Việc lựa chọn cây trồng phù hợp với quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị chung của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, ưu tiên khai thác các loài cây bản địa nhằm tạo lập bản sắc đô thị và phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)