Thông tuyến vận tải container Hải Phòng - Ninh Bình qua kênh Nghĩa Hưng

Thứ tư, 16/04/2025 15:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc vận tải container bằng đường thủy từ cảng biển Hải Phòng đi qua kênh Nghĩa Hưng về Ninh Bình giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy.

Tin từ Cục Hàng hải và Đường thủy VN, chuyến sà lan VR - SB đầu tiên chở container từ Hải Phòng tới Ninh Bình đi qua kênh Nghĩa Hưng vừa thực hiện thành công. Chuyến sà lan chở được 3 lớp container với trọng tải cỡ 160 Teus.

Chuyến sà lan vận tải container đầu tiên đi từ cảng biển Hải Phòng tới Ninh Bình qua kênh Nghĩa Hưng.

Theo đại diện Cục Hàng hải và Đường thủy VN, trước đây, sà lan container từ Hải Phòng đi các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam thường di chuyển theo hành lang vận tải thủy số 2, mất khoảng 28-30 giờ đồng hồ cho mỗi chuyến đi.

Tuy nhiên, tuyến hành lang này tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là các vướng mắc về tĩnh không cầu khi đi qua nội thành Hải Phòng. Ngoài ra, hành trình còn phụ thuộc vào con nước và lịch điều tiết của kênh đào Hạ Lý, khiến nhiều chuyến sà lan phải chờ đợi đến nửa ngày.

"Việc chuyển hướng sà lan container chạy tuyến ven biển từ Hải Phòng về Ninh Bình qua kênh Nghĩa Hưng chỉ mất khoảng 15 tiếng, vừa rút ngắn thời gian, vừa tiết kiệm chi phí cho chủ tàu và chủ hàng. Đặc biệt, kích thước tàu trên tuyến ven biển cũng có thể lớn hơn so với tàu chạy trong hành lang số 2", đại diện Cục Hàng hải và Đường thủy VN cho biết.

Trước đó, trong năm 2024, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) đã tiến hành khảo sát và đề xuất phương án vận chuyển container bằng đường thủy từ cảng biển Hải Phòng đi Ninh Bình. Mục tiêu nhằm tăng cường kết nối, nâng cao thị phần vận tải đường thủy nội địa tại các cảng biển trong khu vực.

Tuyến hành lang vận tải thủy số 2 được đánh giá là một trong những tuyến huyết mạch của khu vực phía Bắc, kết nối cảng biển Hải Phòng với hệ thống nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Tuy có khả năng phục vụ tàu hàng rời lên tới 3.000 tấn, song vận tải container trên tuyến này vẫn gặp không ít trở ngại, mà lớn nhất là các giới hạn về tĩnh không của cầu đường bộ và đường sắt.

Để tháo gỡ nút thắt, cần có nguồn lực đầu tư lớn nhằm nâng cấp tuyến, bao gồm cả việc cải tạo, nâng tĩnh không các cây cầu. Tuy nhiên, bài toán kinh phí đang là trở ngại, bởi nguồn vốn ngân sách hiện còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, phương án tận dụng tuyến vận tải ven biển từ cảng Hải Phòng về cửa sông Ninh Cơ, sau đó đi qua kênh Nghĩa Hưng nối sông Ninh Cơ với sông Đáy, tiếp tục hành trình đến cụm cảng thủy Ninh Phúc (Ninh Bình) và các cảng tại Hà Nam, được xem là giải pháp khả thi, tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, một phương án khác cũng được cơ quan chức năng nghiên cứu là mở tuyến vận tải ven biển từ cảng Hải Phòng qua cửa sông Văn Úc. Hướng đi này giúp tránh phải xuyên qua nội thành Hải Phòng, từ đó giảm thiểu các vướng mắc về hạ tầng đô thị và tĩnh không cầu trên tuyến.

Kênh đào Nghĩa Hưng được vào khai thác từ năm 2023. Kênh đào này cho phép các tàu biển pha sông (tàu SB) chạy thẳng từ Hải Phòng và các cảng biển khác vào các cảng sông nằm sâu trong nội địa tại Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam mà không bị hạn chế bởi tĩnh không cầu. Tàu có thể xếp nhiều lớp hàng container trên boong theo đúng thiết kế để tối đa sức chở, giảm chi phí.

Trước khi có kênh Nghĩa Hưng, tàu chở hàng rời tải trọng 3.000 tấn vẫn đi được từ sông Ninh Cơ qua sông Đào (sông Nam Định) sang sông Đáy về cảng Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) nhưng mất rất nhiều thời gian và không an toàn do sông Đào hẹp, quanh co.

Các doanh nghiệp chỉ có thể khai thác sà lan nhỏ chở container từ Hải Phòng vào Ninh Bình với thời gian 30 tiếng. Kênh Nghĩa Hưng không chỉ giúp tàu to gấp 4 lần khai thác an toàn mà giảm thời gian vận chuyển từ khoảng 30 giờ xuống còn 13 giờ (giảm gần 60%).

 

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)