Song song với việc thi công Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, LILAMA 5 cũng vừa ký hợp đồng trị giá 60 tỷ đồng với Cty CP VLXD Đà Nẵng (thuộc TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam) chế tạo thiết bị tại chỗ theo thiết kế của nước ngoài và lắp đặt toàn bộ thiết bị cơ điện trạm nghiền Nhà máy xi măng Cam Ranh (Khánh Hoà). Hiện gần 300 kỹ sư và công nhân LILAMA 5 đang khẩn trương thi công để đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ.
Trên một lĩnh vực khác, LILAMA 5 cũng vừa đưa Nhà máy sản xuất vật liệu hàn Hà Tĩnh mang thương hiệu Lilama, với vốn đầu tư 117 tỷ đồng vào hoạt động. Sản phẩm que hàn của nhà máy được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của CHLB Đức nên có chất lượng cao và có sức cạnh tranh lớn. Các sản phẩm này sẽ cung cấp cho ngành lắp máy, cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước mắt các dự án như nhiệt điện Vũng Áng, thuỷ điện Sơn La, Hủa Na sẽ tiêu thụ hơn 70% sản phẩm que hàn của nhà máy.
Là thành viên của Lilama, sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển với hơn 1.400 kỹ sư và công nhân giỏi, lành nghề, luôn tiếp cận nhanh với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, LILAMA 5 đã trở thành DN hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn và xây lắp công nghiệp. Nhiều công trình quan trọng của đất nước đã gắn liền với tên tuổi của LILAMA 5 như thuỷ điện Hoà Bình, đường Thạch Thành, xi măng Bỉm Sơn, Tam Điệp, Đô Lương, Sông Gianh, Hoàng Mai, Hải Phòng mới, Cẩm Phả, Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, lọc dầu Dung Quất, Trung tâm Hội nghị Quốc gia… Đặc biệt, mấy năm gần đây, LILAMA 5 đã cùng với các DN của Lilama lần đầu tiên đảm nhận vai trò tổng thầu EPC Dự án nhiệt điện chạy than Uông Bí mở rộng, công suất 300 MW, nhiệt điện đốt than Vũng Áng, công suất 1.200 MW. Đây là nhà máy nhiệt điện có công nghệ thi công phức tạp nhất hiện nay.
Với uy tín và kinh nghiệm, LILAMA 5 còn được TCty Lilama giao cho chế tạo nhà vòm tròn làm kho chứa nguyên liệu Nhà máy Xi măng Thăng Long với khẩu độ không gian bề rộng là 115m, cao 21m. Công trình này đã được chủ đầu tư đánh giá cao về chất lượng và thẩm mỹ. Tại Nhà máy xi măng Sông Gianh, LILAMA 5 cũng đã chế tạo thành công vỏ lò nung, vỏ hộp giảm tốc, nhiều thiết bị phi tiêu chuẩn khác như: quạt gió, quạt hút bụi tĩnh điện, vỏ bệ máy nghiền... Nhiều tấm gương lao động giỏi, nhiều thợ hàn có “đôi tay vàng” của LILAMA 5 đã ra đời từ các công trường, các phong trào thi đua. Tiêu biểu là nữ kỹ sư Vũ Thị Hồng Xuyến và đội trưởng đội hàn Phạm Văn Nghị.
Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của Cty theo hướng đa ngành, đa nghề, tối đa hoá lợi ích của khách hàng và các cổ đông, góp phần đưa Lilama trở thành tập đoàn công nghiệp mạnh, LILAMA 5 đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế tạo cơ khí, đặc biệt trong lĩnh vực xi măng, năng lượng. Theo ông Trần Văn Mão, Tổng giám đốc LILAMA 5, sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình Cty CP, LILAMA 5 đã có bước phát triển khá mạnh, tăng trưởng kinh tế liên tục. Năm 2009 dự kiến doanh thu của Cty đạt 250 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,6 triệu đ/người/tháng. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2008 là 10,5% và dự kiến năm nay là 12%.
Có thể nói, ngót nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ cho thương hiệu LILAMA 5, đến nay DN này đã trở thành địa chỉ tin cậy của các đối tác trong và ngoài nước, người lao động ngày càng gắn bó với nghề và “mái nhà LILAMA 5”.
Theo Báo Xây dựng điện tử